Kế hoạch tăng trưởng mạnh này của Sợi Thế Kỷ được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng nhu cầu sợi tăng trưởng đột biến khi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, có hiệu lực.
Bước qua một năm nhiều thách thức
Trong năm 2015, ngành sợi Việt Nam khá lao đao vì nhiều yếu tố tiêu cực tác động. Thứ nhất, thị trường Trung Quốc, thị trường vốn tiêu thụ trên 70% sản lượng sợi polyester filament, có biến động mạnh. Thứ hai, nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất sợi là hạt PET chip, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thô, nên trong xu hướng giá dầu thô liên tục sụt giảm từ cuối năm 2014 đến nay khiến khách hàng gia tăng tâm lý chờ đợi giá sợi giảm thêm mới chốt đơn hàng. Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu sợi lớn như châu Âu, Thái Lan, Đài Loan… đều phá giá mạnh đồng nội tệ, nên giá hàng sợi nhập khẩu từ Việt Nam vào các thị trường này trở nên đắt hơn khi tính bằng USD, làm giảm tính cạnh tranh của sợi Việt Nam.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, vào khoảng cuối quý II/2015, phía Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi dún polyester (DTY) của Việt Nam, liên quan tới nhiều doanh nghiệp như PVTex, Sợi Thế Kỷ, Formosa, Hualon, Đông Tiến Hưng… với giá trị xuất khẩu lên tới 180 triệu USD vào thị trường này. Trong khi đó, khách hàng thường xuyên của Sợi Thế Kỷ là các nước châu Âu (chiếm tỷ trọng lớn là Thổ Nhĩ Kỹ) và châu Á. Mặc dù Sợi Thế Kỷ không bán phá giá (giá xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn giá bán nội địa) nhưng các khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có tâm lý e ngại bị áp thuế chống bán phá giá. Trong khi chờ kết quả điều tra và quyết định của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã giảm việc mua hàng từ thị trường Việt Nam.
Riêng trong quý IV/2015, nhu cầu chung của toàn thị trường rất yếu do khách hàng hoãn xuống đơn hàng do e ngại giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm. Mặt khác, việc Chính phủ Trung Quốc siết quy định về bảo vệ môi trường và ban hành kế hoạch bảo vệ nguồn nước trong năm 2015, đã buộc nhiều công ty dệt nhuộm của Trung Quốc phải đóng cửa, nhu cầu về sợi trên thị trường giảm mạnh. Để giải phóng hàng tồn kho, các công ty sợi Trung Quốc đã bán phá giá gay gắt trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Giá bán sợi Trung Quốc trung bình thấp hơn sản phẩm cùng loại trong nước khoảng 10% (thấp hơn 10 - 15 cent/kg sợi) nên Sợi Thế Kỷ cũng phải chủ động giảm giá bán để giành lại thị phần trong giai đoạn này.
Không nằm ngoài tác động chung của ngành, kết quả kinh doanh của Sợi Thế Kỷ cũng sụt giảm. Theo Sợi Thế Kỷ, Công ty ước đạt kết quả kinh doanh năm 2015 với doanh thu thuần hơn 1.035 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 72 tỷ đồng, lần lượt đạt 61% và 62% kế hoạch cả năm do doanh thu và giá bán cùng giảm. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Sợi Thế Kỷ thấp hơn 32% so với năm 2014, do Công ty phải trích lập dự phòng rủi ro chênh lệch tỷ giá 19 tỷ đồng do VND bị phá giá khoảng 6%. Nếu không có khoản trích lập dự phòng này thì Sợi Thế Kỷ dự kiến đạt được 90,8 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương đương hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận.
Điều đáng mừng là trong năm 2015, Sợi Thế Kỷ đã phát triển được 56 khách hàng mới mua hàng và sử dụng mẫu thử vải của Công ty, tỷ trọng đóng góp doanh thu của các khách hàng mới này là 7%. Theo Sợi Thế Kỷ, do nhu cầu thị trường 6 tháng cuối năm 2015 chỉ đạt 60 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái là do biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào (ảnh hưởng diễn biến giá dầu), dẫn đến quyết định đặt hàng may mặc của các hãng hiệu cho giao hàng năm sau cũng chậm hơn và hoãn thời điểm đặt hàng.
Sẵn sàng đón nhận cơ hội từ TPP
Ngành sợi ở Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển khi nhu cầu của sợi nhân tạo hiện rất lớn, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong vài năm tới. Sợi Thế Kỷ được đánh giá cao về khả năng tăng trưởng, nhờ khả năng tăng công suất khi đơn hàng nội địa dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo nhận định của CTCK VCBS, nhu cầu thị trường trong trung và dài hạn của Sợi Thế Kỷ vẫn sẽ tăng lên, tuy trong ngắn hạn khách hàng có hoãn đơn hàng. Khách hàng là các công ty dệt may phải mua sợi để chuẩn bị cho các đơn hàng sản phẩm mới thay đổi theo mùa.
Đánh giá triển vọng thị trường trong ngắn hạn, Sợi Thế Kỷ kỳ vọng, cán cân cung - cầu sẽ phục hồi trong thời gian tới, bởi giá sợi đang có xu hướng phục hồi, các công ty Trung Quốc sau một thời gian bán phá giá mạnh và lỗ nặng đang cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2016, thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng sợi POY, DTY và FDY sẽ tăng từ 0% lên 3%. Việc tăng thuế sẽ hạn chế bớt hành vi bán phá giá của Trung Quốc tại Việt Nam. Trong trung và dài hạn, xu hướng dịch chuyển các đơn hàng may mặc ở tất cả các thị trường lớn vào Việt Nam ngày càng trở nên rõ ràng. Khi đơn hàng may mặc tăng lên, nhu cầu vải và tiếp đến là sợi sẽ tăng lên, nhất là khi các hiệp định thương mại Việt Nam - EU và TPP có hiệu lực.
Năm 2016, Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch dựa trên giả định giá bán bình quân vẫn xu hướng giảm, chi phí sản xuất dự kiến tăng; VND sẽ mất giá khoảng 4% so với USD. Lãi suất vay USD dự kiến tăng lên khoảng 1% cho khoản vay Dự án Trảng Bàng 3 và Trảng Bàng 4 do lãi suất LIBOR sẽ tăng (dự báo dựa trên Fed tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm vào mỗi quý trong năm 2016). Theo đó, mục tiêu doanh thu đạt 1.860 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 131 tỷ đồng, tăng mạnh 80% và 82% so với thực hiện năm 2015.
Để đạt kế hoạch này, đại diện Sợi Thế Kỷ cho biết, Công ty đang mở rộng sang các thị trường khác có ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các hiệp định thương mại FTA để thay thế dần cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ; đẩy mạnh việc bán ở thị trường nội địa cho các khách hàng hiện hữu (mới tăng thêm công suất) và các nhà máy mới thành lập ở Việt Nam. Ngoài ra, Công ty cũng hợp tác kinh doanh sản xuất sản phẩm mới có tính năng đặc biệt như sợi tái chế, sợi nhuộm; triển khai và đưa nhà máy Trảng Bàng 4 đi vào hoạt động vào quý IV/2016.
Tính đến 31/12/2015, Dự án Trảng Bàng giai đoạn 3 đã chính thức hoàn thành và được đưa vào sử dụng 100% tổng công suất. Đối với Dự án Trảng Bàng 4, Công ty đã ký hợp đồng mua máy móc thiết bị với tổng trị giá là 10,9 triệu USD chiếm 91,36% ngân sách (12 triệu USD). Tiến độ lắp máy dự kiến trong nửa đầu năm 2016.
Hiện tại, Sợi Thế Kỷ chưa chạy hết công suất do nhu cầu thị trường trong năm 2015 sụt giảm. Tuy nhiên, khi thị trường ổn định trở lại, doanh thu của Công ty có khả năng tăng trưởng tốt vì vẫn có thể tăng công suất (nhất là khi hoàn thành nhà máy Trảng Bảng 4 và đi vào hoạt động trong năm 2017).