Giá đất lên từng giờ
Nếu trước Tết, khu vực ven sông Hàn, ven biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê là nơi giá đất “sốt” nhất do sự phát triển của phân khúc condotel (căn hộ khách sạn), thì thời điểm này, tất cả các khu vực từ Hoà Xuân, Hoà Quý, Nam cầu Nguyễn Tri Phương, Đào Bá Tùng và tất cả khu vực trục Nam TP.Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) và lan sang cả Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đều lên giá chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn.
Sau Tết, anh Hoài mua 1 lô đất nền thuộc Dự án Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ) với giá 700 triệu đồng, chỉ ngay hôm sau, anh công chứng và bán lại thành công với giá 850 triệu đồng. Nhưng đến chiều tối, vị khách này đã bán lại lô đất nói trên cho khách hàng khác với giá 1,1 tỷ đồng
Chị Thanh, một nhà đầu tư tại Đà Nẵng cho biết, giữa năm 2016, chị có mua một lô đất 100 m2 ở khu vực gần hồ Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) với giá 800 triệu đồng để đầu tư. Mặc dù vị trí đất hướng hồ khá đẹp, hạ tầng khu đất khá đồng bộ, hoàn thiện, nhưng từ khi mua vào, giá khu đất trên liên tục giảm và cho đến thời điểm hết năm 2016 mức giá chỉ còn 600 triệu đồng, nhưng chị không thể nào nhượng lại được.
Sau Tết, với việc nhờ cậy nhiều mối quen biết và môi giới, chị đã bán thành công lô đất trên với giá 650 triệu đồng, chấp nhận chịu lỗ 150 triệu đồng. Chưa kịp vui mừng vì bất ngờ có người chịu mua với giá cao hơn 50 triệu đồng, thì ngay sau đó, lô đất nói trên đã được khách hàng của chị bán lại với giá 1 tỷ đồng. Và đến thời điểm giờ, người khách thứ 3 đang sở hữu lô đất nói trên đã được một số người mua trả giá trên 1 tỷ đồng, nhưng chưa chịu bán.
Trong khi đó, anh Hoài, một nhà đầu tư lẻ khác cho biết, sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, thông qua một đơn vị phân phối, anh mua 1 lô đất nền thuộc Dự án Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ) với giá 700 triệu đồng, chỉ ngay hôm sau, anh công chứng và bán lại thành công với giá 850 triệu đồng. Nhưng đến chiều tối, vị khách này đã bán lại lô đất nói trên cho khách hàng khác với giá 1,1 tỷ đồng.
Trở lại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, giá đất các dự án như Khu đô thị Hoà Xuân, Hoà Quý, Nam cầu Nguyễn Tri Phương chỉ có giá 4 - 5 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 400 - 500 triệu đồng/lô 100 m2. Đến quý III/2016, giá đất ở đây nhích lên tầm 7 - 8 triệu đồng/m2. Và đến thời điểm này, đất tại khu vực này đã tăng lên đến hơn 10 triệu đồng/m2. Các dự án này ngay thời điểm chủ đầu tư mở bán cũng đã rất nhanh chóng “cháy hàng” và người mua chủ yếu là các nhà đầu tư thứ cấp, gom số lượng lớn để bán lại giá kiếm lời.
“Giá đất giờ đây không chỉ tính bằng ngày nữa, mà phải nói là bằng giờ. Chỉ trong tích tắc là giá đất đã thay đổi lên đến cả trăm triệu đồng”, anh Hoài cho biết.
Giá đất lên cao bất thường với sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã tạo ra cơn sốt đối với phân khúc đất nền trục Nam Đà Nẵng và vượt quá tầm với của những người có nhu cầu thực về đất ở - đối tượng đáng lẽ ra là tâm điểm chính của thị trường.
Anh Bình An, quản lý truyền thông của một công ty bất động sản tại Đà Nẵng ngao ngán: “Nhân viên môi giới nhà đất giờ đây không còn chỉ chăm chăm ăn một vài phần trăm hoa hồng mỗi lô nữa, mà đã tìm cách gom hàng rồi đẩy giá lên để ăn luôn khoản chênh lệch. Giá đất tăng cao như vậy, nên khoản chênh lệch này có khi cao hơn cả tiền hoa hồng làm cả năm trời”.
Đa phần các dự án tại Điện Ngọc - Điện Nam đã bán hết hàng từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có dân vào ở
Thuê trực thăng đi “săn” đất
Không chỉ các dự án thuộc khu vực Đà Nẵng “sốt” giá, hiện nay, giới nhà đất địa phương, lẫn trong Nam, ngoài Bắc cũng đang đổ xô vào “săn hàng” ở khu Điện Nam - Điện Ngọc và dọc khu vực ven biển huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, khu vực này tấp nập người ra kẻ vào, mà chủ yếu là giới đầu cơ đi “săn lùng” các lô có đẹp của các dự án. Thậm chí, có nhà đầu tư còn thuê hẳn máy bay trực thăng phục vụ cho việc quan sát tìm kiếm.
Với thông tin quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc ngày một nóng hổi, các dự án liên tục được các đơn vị phân phối sử dụng thông tin này để quảng cáo, maketting sản phẩm với những từ khoá khá kêu như “hạ tầng hoàn thiện”, “khu đô thị hiện đại”, “vị trí vàng”, “đẳng cấp sang trọng”…, hay đặt tên mới cho dự án với những mỹ từ lung linh. Thậm chí, có dự án còn dựa vào vị trí giáp ranh với dự án lớn khác để “đánh lận con đen”,. Cụ thể, mới đây, một đơn vị phân phối sản phẩm tại dự án đất nền nằm sát cạnh Khu đô thị FPT City Đà Nẵng đã rao bán đất trên mạng với tên gọi “đất nền Khu đô thị FPT City”.
“Không chỉ mạo danh tên dự án đơn vị khác, để đẩy giá lên, một công ty môi giới đã tự cắm bảng và tự nhận là chủ đầu tư. Hàng ngày họ bố trí một xe lu lèn ở đó lu qua lu lại để khi khách đến nghĩ là đơn vị đang triển khai hạ tầng, nhưng thực tế thì tiến độ chậm như rùa. Không những vậy, mặc dù đã bán hết sản phẩm và hạ tầng chưa xong như cam kết, nhưng đơn vị phân phối này lại thông báo mở bán tiếp giai đoạn 2 dự án”, anh Nguyễn Thái Hùng, Trung tâm tư vấn Dịch vụ bất động sản Phát Lộc Land phản ánh và cho biết, thực tế, đơn vị này không được chủ đầu tư giao đất, hay hợp tác phát triển dự án, mà họ nhận lại hơn một nửa số sản phẩm trong đợt 1 được của người mua để bán lại cho người mua sau ăn tiền chênh.
Theo một số đơn vị phân phối, tại khu Điện Nam - Điện Ngọc và khu vực ven biển huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện có hơn 12 dự án bất động sản phân khúc đất nền. Hầu hết các dự án tại đây trong thời điểm mở bán đã được khách hàng đặt chỗ và mua hết với giá tương đối “mềm”, từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, 80% khách mua vẫn là nhà đầu tư thứ cấp.
“Sau khi nhờ mối quan hệ ‘tay trong tay ngoài’ ở các công ty môi giới để gom hàng giá gốc, giới đầu cơ hiện đang đẩy giá lên 4 - 5 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Như vậy, giá đất ở khu vực này đang do giới đầu cơ “đạo diễn”, giống như tại phân khu Nam Đà Nẵng”, anh Hùng nói thêm.
Quy hoạch Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đang góp phần tăng giá bất động sản khu vực Bắc Quảng Nam
Dù các dự án đất nền tại khu vực Điện Nam - Điện Ngọc và ven biển Điện Bàn có thanh khoản tốt, một số dự án đã bán hết sản phẩm từ lâu, nhưng theo khảo sát thực tế của phóng viên Đầu tư Bất động sản, phần lớn các dự án khu vực này hiện vẫn trong tình trạng trống dân, tức là chưa hình thành khu dân cư. Ngoài việc khách hàng mua chủ yếu là giới đầu cơ, thì hạ tầng đang bừa bộn, thiếu các công trình tiện ích phục vụ cuộc sống cũng là lý do khiến nhiều khu đô thị tại khu vực này không có người ở.
Ông Đỗ Xuân Nam, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Sao Sáng nhận định, : “Nói chung, mua để ở được thì ít nhất đến hết năm nay mới có khả quan khi hạ tầng dần trở nên hoàn thiện. Có điều, sức hút khu Điện Nam - Điện Ngọc đang lên rất nhanh nhờ những thông tin tích cực về quy hoạch.
Bên cạnh đó, thông tin sắp tới chủ đầu tư của một dự án đất nền lớn tại Đà Nẵng sẽ chuyển vào đầu tư dự án mới ở khu Điện Dương, nên giới đầu cơ sẽ “thả” Đà Nẵng để theo chân các chủ đầu tư này. Nguy cơ bong bóng bất động sản phân khúc đất nền trục Nam Đà Nẵng cần sớm được cảnh báo”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com