“Sạch” nợ xấu sẽ dễ gọi vốn ngoại
Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, khi sức khỏe của ngân hàng được củng cố và làm “sạch” nợ xấu, nhất là với những ngân hàng đã tiến hành M&A, sẽ dễ dàng hơn để gọi vốn ngoại. Tuy nhiên, việc thu hút đối tác ngoại không chỉ ở vấn đề nâng cao tiềm lực tài chính, mà quan trọng là có thể hỗ trợ ngân hàng chiến lược phát triển.
Lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cho biết, sau quá trình tái cấu trúc, ngân hàng ông sẽ mời vốn ngoại. Tỷ lệ bán dự kiến gần 30% cho một NĐT chiến lược nước ngoài và nhiều khả năng là đến từ Nhật Bản. Đáng chú ý, không chỉ với ngân hàng mà ngay cả công ty tài chính do nhà băng này mua lại 100% vốn của nước ngoài cũng sẽ được bán lại cho một đối tác nước ngoài trong tương lai gần, với tỷ lệ chi phối tương đối lớn.
Theo lý giải của vị lãnh đạo trên, cái cần nhất của ngân hàng cũng như hệ thống công ty tài chính hiện nay là công nghệ hiện đại và chiến lược bán lẻ tốt nhất. Vì thế, việc thu hút vốn ngoại không chỉ để nâng cao năng lực tài chính, mà quan trọng là một gói chiến lược tổng thể mới để đẩy mạnh tăng trưởng. Đặc biệt là với tín dụng tiêu dùng, vốn là mảng đòi hỏi phải có sự đầu tư công nghệ cao.
Mặc dù thị trường còn khó khăn và đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng SCB đã thành công trong 2 đợt tăng vốn điều lệ trong năm 2013 và cuối năm 2014. Vốn điều lệ hiện tại của SCB trên 14.000 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là trong đợt tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng mới đây của SCB đã có sự tham gia mạnh mẽ của NĐT nước ngoài. Tỷ lệ cổ phần của NĐT nước ngoài đang nắm giữ tại SCB vào khoảng 15% vốn điều lệ ngân hàng, gồm 2 quỹ đầu tư đến từ Hồng Kông.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, sự tham gia của NĐT nước ngoài sẽ giúp SCB có định hướng mới, tạo áp lực cho Ngân hàng trong việc minh bạch hóa, tạo tiền đề thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài trong tương lai. Đây được xem là một điểm tích cực cho SCB trong giai đoạn tái cấu trúc để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.
Về nguyên tắc, đối với NĐT nước ngoài, đích nhắm cuối cùng vẫn là quyền kiểm soát, chứ không chỉ đơn thuần “đưa tiền” cho các ngân hàng nội hoạt động. Vì thế, khả năng SCB và các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục hợp tác và không loại trừ việc sẽ gia tăng quyền sở hữu tại SCB.
Hiện SCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Thời gian qua, ngân hàng này đã mạnh mẽ trong việc làm sạch bảng cân đối kế toán bằng cách bán khối lượng nợ xấu khổng lồ cho VAMC lên đến 12.000 tỷ đồng. Nợ xấu của SCB đến cuối năm 2014 ở mức rất thấp, trên dưới 1%.
Theo định hướng của Chính phủ, với các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu, nếu một nhà băng muốn tỷ lệ cổ phần cho NĐT nước ngoài vượt mức cho phép cũng sẽ được xem xét để nâng cao tiềm lực tài chính và đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.
Vì thế, không chỉ thu hút vốn ngoại trong các đợt tăng vốn gần đây, Tổng giám đốc một nhà băng cho biết, Ngân hàng ông đã có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán vốn cho NĐT nước ngoài, với tỷ lệ trên 50%, nhưng còn phải chờ ý kiến từ Chính phủ và NHNN. Đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả, giúp quá trình tái cấu trúc ngành đúng hướng và hiệu quả.
…nhưng khó tìm đối tác phù hợp
Theo các nhà băng, yếu tố quan trọng trong việc gọi vốn ngoại vẫn là tìm được NĐT phù hợp và có chiến lược đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới, sau đó mới xem xét đến yếu tố giá cả. Trên thực tế, giá mua bán giữa NĐT thông thường và NĐT chiến lược cũng rất khác nhau bởi còn liên quan đến quyền kiểm soát ngân hàng. Một khi NĐT nắm quyền kiểm soát, họ sẽ chi phối, quản trị ngân hàng.
“Điều quan trọng nhất đối với ngân hàng nội hiện nay là phải từng bước củng cố, đẩy mạnh tái cấu trúc, mở rộng hoạt động, ổn định bộ máy, để thu hút NĐT chiến lược phù hợp. Như thế, vị thế của ngân hàng cũng thay đổi”, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nói.
Thông tư 38 mới được NHNN ban hành yêu cầu, trong trường hợp NĐT nước ngoài quyết định mua cổ phần của nhà băng yếu kém, ngoài các văn bản theo yêu cầu khi mua cổ phần của TCTD, NĐT phải nộp kèm văn bản cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD yếu kém, hỗ trợ TCTD yếu kém trong áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Khi tìm được NĐT nước ngoài phù hợp, ngân hàng phải lập hồ sơ gửi NHNN xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài.
Theo đó, một cá nhân nước ngoài không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD, với tổ chức là không quá 15%, NĐT chiến lược tối đa là 20%. Tỷ lệ sở hữu tối đa của một NĐT nước ngoài và người có liên quan không được vượt quá 20% vốn điều lệ; còn với các tổ chức là không quá 30%. Trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, mức sở hữu cổ phần cần vượt quá mức quy định trên, Thủ tướng sẽ quyết định.
Đối với các NĐT nước ngoài, tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, tuy nhiên, họ sẽ không đầu tư với bất kỳ giá nào và để quyết định rót vốn, nhất là với các ngân hàng nhỏ, yếu kém và đang trong quá trình tái cơ cấu, họ cũng xem xét rất kỹ lưỡng.
Vì thế, không hẳn khi “room” được mở sẽ thu hút được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài, nếu như nội tại của ngân hàng đó yếu kém và tiềm năng tăng trưởng không có kỳ vọng.
Thậm chí, ngay cả khi đã trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng nội, nhưng nếu NĐT nước ngoài không còn tìm thấy khả năng tăng trưởng của nhà băng đó, họ sẵn sàng thoái lui.
MDB đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Fullerton Financial Holdings (Full) của Singapore, nhưng khi MDB chính thức sáp nhập vào Maritime Bank, Full đã thoái vốn khỏi nhà băng này và có thông tin đang tìm kiếm một ngân hàng nội khác để sở hữu cổ phần.
Với Southern Bank, đối tác chiến lược nước ngoài của Ngân hàng hiện nay là UOB nắm giữ 20% cổ phần. Với kế hoạch sáp nhập Sacombank, liệu cổ đông chiến lược này có tiếp tục gắn bó vẫn là câu hỏi được thị trường chờ đợi khi có thông tin cho rằng, UOB sẽ thoái vốn để tìm kiếm cơ hội ở một đối tác chiến lược là ngân hàng nội khác. Nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy, sau khi thương vụ M&A giữa một nhà băng lớn đã có đối tác chiến lược nước ngoài với một nhà băng quy mô nhỏ hơn thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT ngoại tại ngân hàng này có khả năng tăng từ 20% hiện nay lên 25%.
M&A mở ra các cơ hội kinh doanh và hợp tác chiến lược. Đây cũng là điểm mà các ngân hàng nội được săn đón bởi các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, theo đại diện của một quỹ đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên cởi mở hơn trong quy định về tỷ lệ cổ phần, cụ thể là nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cao hơn cho các đối tác chiến lược là những người đầu tư dài hạn vì sự phát triển ngân hàng.
“Tôi chắc rằng, sẽ có 3 - 5 NĐT có thể đầu tư hơn 51%, thậm chí 100% cổ phần của ngân hàng Việt Nam nếu được phép, thay vì chỉ 20 - 30%”,vị đại diện quỹ trên nói.