Mở màn mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đáng ra là NamA Bank khi nhà băng này đưa ra lịch dự kiến là 27/3. Thế nhưng trong một diễn biến mới nhất, lịch tổ chức đã được NamA Bank lùi lại vào ngày 17/4/2015.
Sáp nhập chủ động với một ngân hàng khác là điều đã được lãnh đạo Nam A Bank xác nhận, tuy nhiên chi tiết cụ thể cho kế hoạch chưa được tiết lộ, bất chấp trên thị trường xuất hiện thông tin về mối lương duyên NamA Bank – Eximbank.
Cũng vào tháng 4/2015, đã có hàng chục ngân hàng lên lịch đại hội như SCB, Eximbank, ACB, VietCapital Bank, ACB, DongA Bank, Saigon Bank… Một số thông tin ban đầu về sáp nhập đã xuất hiện trong tài liệu và phát biểu lãnh đạo không ít ngân hàng.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, khả năng cao là DongA Bank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch M&A trong năm nay. Thông tin của DongA Bank là không bất ngờ, bởi trong đại hội năm trước (2014), nhà băng này cũng trình cổ đông kế hoạch tương tự. Cái tên được dự đoán sẽ “về chung” với DongA Bank là Saigonbank, cả hai ngân hàng này đều có vốn của Thành ủy (UBND TP. HCM).
Thế nhưng, theo những thông tin mới nhất, kịch bản này có sẽ thay đổi khi DongA Bank khả năng “về chung nhà” với một ngân hàng ngang cấp về quy mô, chứ chưa hẳn là Saigonbank, một ngân hàng chỉ có quy mô tổng tài sản bằng khoảng ¼ Dong A Bank.
Hiện DongA Bank vẫn đang phải đối mặt với khó khăn chung của nhiều ngân hàng như nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, lợi nhuận sụt giảm. Đến thời điểm này, DongA Bank chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2014, nhưng đến hết quý III/2014, DongA Bank chỉ đạt được phân nửa (hơn 250 tỷ đồng) chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm. Điều đáng nói là DongA Bank đã phải hủy kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng khi chỉ huy động được gần 50% cổ đông đóng tiền mua cổ phần.
Ngoài lý do tìm đối tác quy mô lớn hơn thì còn có thông tin khác đó là việc Saigonbank về với Vietcombank đã được NHNN xác nhận. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, NHNN đã chấp thuận về mặt chủ trương sáp nhập cho 2 nhà băng này. Phần còn lại thuộc về HĐQT của 2 ngân hàng.
Còn đối với Vietcombank cũng giống như các ngân hàng lớn khác là BIDV, Vietinbank, việc phải nhận sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn là yêu cầu bắt buộc từ phía NHNN, vấn đề chỉ là ngân hàng nào mà thôi. Vì thế, với lịch ĐHCĐ đã được ấn định vào ngày 24/4 tới, giới đầu tư đang hy vọng sẽ có một cái tên cụ thể được đề cập khi xin ý kiến từ các cổ đông. Trong khi đó, phía Saigonbank vẫn chưa đưa ra ngày chốt danh sách cổ đông cuối cùng để tham gia ĐHCĐ.
Trong số những thương vụ dự kiến, trường hợp PGBank có lẽ đã rõ ràng hơn cả khi HĐQT VietinBank cho biết sẽ sớm công bố kế hoạch sáp nhập PGBank vào hệ thống Vietinbank. Đây là con đường ngắn nhất để VietinBank tăng vốn điều lệ, tổng tài sản và mở rộng mạng lưới.
Bên cạnh đó, còn có thương vụ MHB sẽ sáp nhập vào BIDV. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo NHNN với các NHTM trên địa bàn TP. HCM sáng ngày 13/3 bàn về chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC, vấn đề M&A giữa các ngân hàng cũng được nhắc đến. Trong đó, có thương vụ MHB sẽ về chung nhà với BIDV.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thì M&A là một giải pháp cho việc hạ tỷ lệ nợ xấu. Còn theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, điểm nhấn trong quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc ngành của NHNN năm nay là không chỉ sáp nhập, hợp nhất tự nguyện mà với những ngân hàng nhỏ, yếu kém nếu không sớm tìm đối tác sẽ phải tính đến chuyện M&A bắt buộc để có thể cùng nhau phát triển tốt hơn.
Vì thế, với các nhà băng hoạt động yếu kém sẽ phải tính đến chuyện M&A sớm và ĐHCĐ kỳ này sẽ phải có các kế hoạch M&A cụ thể. Còn với những ngân hàng hoạt động thua lỗ, âm vốn sẽ phải bán lại 0 đồng cho NHNN. VNCB là trường hợp đầu tiên vừa được NHNN đã chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động của một ngân hàng yếu kém thành ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Nhưng nếu thời gian tới, có ngân hàng hoạt động yếu kém, âm vốn thì NHNN buộc sẽ mua lại.