58 cotainer hạt tiêu mắc kẹt
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, 58 container hạt tiêu của 13 doanh nghiệp Việt Nam, trị giá trên 3 triệu USD đang mắc kẹt nhiều tháng nay tại cảng Birgunj (Nepal) và tại cảng Kolkata (biên giới Nepal – Ấn Độ) khiến các doanh nghiệp này rơi vào khó khăn.
Trước đó, ngày 25/3/2020, Chính phủ Nepal đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu 5 mặt hàng; trong đó, có hạt tiêu. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 6/4/2020 và không áp dụng cho các đơn hàng đã mở thư tín dụng trước ngày 29/3/2020. Điều này đồng nghĩa với việc những lô hàng hồ tiêu đã xuất trước ngày 29/3/2020 vẫn được Chính phủ Nepal cho phép nhập khẩu bình thường.
Thông tin từ các nhà nhập khẩu hồ tiêu Nepal cũng cho hay, lệnh cấm trên chỉ áp dụng với những lô hàng vận chuyển đến Nepal sau ngày 29/3/2020, còn những lô hàng xuất trước đó vẫn được cho nhập bình thường.
Tuy nhiên, sau khi các lô hàng hồ tiêu từ Việt Nam (xuất trước ngày 29/3/2020) đến Nepal, doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán, các nhà nhập khẩu Nepal thông báo rằng, họ không có giấy phép nhập khẩu từ Chính phủ nên các ngân hàng Nepal không chấp nhận thanh toán.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết, trước tình huống bất đắc dĩ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đã liên hệ với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế nhờ hỗ trợ xin tái xuất các container hồ tiêu này về Việt Nam.
Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã gửi công hàm tới Chính phủ Nepal đề xuất thông quan các lô hàng hạt tiêu bị mắc kẹt hoặc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp tái xuất các lô hàng này về Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng nhiều lần trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, Công nghiệp và Vật tư Nepal về vấn đề này.
Gỡ cách nào
Thông tin mới nhất, chiều 23/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có buổi làm việc với đại diện VPA và 9 trong số 13 doanh nghiệp có 58 container tiêu xuất khẩu đang bị kẹt tại Nepal để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Tại buổi làm việc, Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng mong muốn được Bộ và cơ quan liên quan hỗ trợ trao đổi để 5 hãng tàu liên quan đến 58 container chia sẻ chi phí với doanh nghiệp xuất khẩu.
Các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc này đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa do đó các thiệt hại từ vụ việc đến doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi xác nhận, do Việt Nam và Nepal không có cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi Bên, thời điểm xảy ra vụ việc trùng với thời điểm dịch Covid-19, đi lại hạn chế, khiến cho các nỗ lực giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp càng vất vả hơn.
Tuy nhiên, thông tin từ đơn vị này cho biết, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã có văn bản yêu cầu Hải quan Nepal cho phép các công hàng đang bị mắc kẹt được tái xuất về nước theo mong muốn của các doanh nghiệp.
Hải quan Nepal cũng đã có văn bản gửi tất cả các Chi cục Hải quan yêu cầu cho phép các công hàng hồ tiêu mắc kẹt được tái xuất.
"Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu Nepal hoàn hiện chứng từ tái xuất theo quy định", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng xác nhận.
Để đánh giá toàn diện, có cơ sở tiếp tục làm việc với cơ quan đối tác phía Nepal nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị VPA và các doanh nghiệp nhanh chóng thống kê thiệt hại và tính toán sơ bộ các thiệt hại nếu việc lưu kho bãi tiếp tục bị kéo dài do phía Nepal gây ra, liên tục cập nhật các diễn biến mới nhất của vụ việc, gửi Bộ Công Thương để nắm thông tin và có phương án phản hồi, trao đổi đề xuất với phía Nepal.
Xuất khẩu hạt tiêu 6 tháng 2020 đã chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu đã giảm sâu 19,1% so với cùng kỳ, đạt 365 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 451 triệu USD.
Để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng các điều kiện thanh toán thương mại quốc tế ít rủi ro như T/T hoặc việc mở L/C at sight, 100%, không hủy ngang.
* L/C at sight: Là loại thư tín dụng trả ngay, không được phép hủy ngang, trong đó người xuất khẩu sẽ được thanh toán ngay khi xuất trình các chứng từ phù hợp với điều khoản quy định trong Thư tín dụng tại ngân hàng chỉ định thanh toán.
*Thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T (Telegraphic Transfer) là một trong những phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay. Phương thức này được sử dụng nhiều bởi sự tiện lợi trong hoạt động mua bán và thường phù hợp với những hợp đồng có giá trị nhỏ.
Theo đó, ngân hàng thực hiện chuyển một số tiến nhất định cho người hưởng lợi bằng phương tiện chuyển tiền (điện Swift/telex) trên cơ sở chỉ dẫn của người trả tiền.