Toàn thị trường tăng phí 10-20%
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), mức tăng phí từ 10-20% là mang tính tích cực. Nhìn chung, quy tắc điều khoản của các DNBH là thống nhất, biểu phí bảo hiểm tại các DNBH có khác nhau đôi chút do mỗi DN có tình hình tài chính khác nhau.
Việc tăng phí kể trên đã góp phần giúp tăng doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong 5 tháng đầu năm nay, tuy nhiên, mức tăng không nhiều do mới chính thức áp dụng biểu phí trên từ ngày 1/5/2015. Ngoài ra, doanh thu trong mảng này được cải thiện cũng nhờ việc đẩy mạnh triển khai các hình thức khuyến mại trong bán bảo hiểm (do các quy định hiện hành về thuế đã bỏ giới hạn chi phí trong khuyến mại, quảng cáo).
Theo đó, 6 tháng đầu năm, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đứng đầu thị trường, đạt 4.710 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,81%. Đặc biệt, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ xe cơ giới ở mức khả quan hơn. Trong 5 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này ở mức 36%, so với 40% cùng kỳ năm 2014. Mức bồi thường trên cũng thấp hơn mức bồi thường chung của toàn khối phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm nay (tỷ lệ bồi thường 46%, ước đạt 5.710 tỷ đồng).
Theo AVI, qua phản ánh từ các DNBH, tình hình triển khai bán bảo hiểm thời gian đầu còn chưa thống nhất. Được biết, sau một thời gian triển khai, Bộ Tài chính đã lên kế hoạch tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc, biểu phí mới của các DNBH.
Từ nay đến cuối năm, các DNBH vẫn sẽ tiếp tục triển khai bán bảo hiểm vật chất xe tuân thủ theo quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Các DNBH cần lưu ý quản lý tính tuân thủ của các chi nhánh, công ty thành viên.
Sợ mất khách VIP
Thực tế triển khai bán bảo hiểm theo quy tắc, điều khoản mới cho thấy, một số khách hàng có doanh thu phí bảo hiểm lớn như ngân hàng, garage, showroom ô tô đều chưa muốn tăng phí ngay.
Các DNBH đề xuất cần có lộ trình tăng từ từ phí bảo hiểm, có thể lùi thời hạn từ 3-6 tháng hoặc lâu hơn đối với đối tượng khách hàng này, bởi mức phí áp dụng cho khách hàng bán buôn trước thời điểm ngày 1/5/2015 ở mức thấp, khoảng 1,1%. Theo đó, trong buổi làm việc của Ban bảo hiểm xe cơ giới Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đề xuất về việc cần có lộ trình tăng phí khoảng 3-6 tháng đối với khách hàng này đã được thông qua.
Ghi nhận của ĐTCK từ 5 DNBH (có doanh thu bán bảo hiểm vật chất xe cơ giới lớn nhất thị trường là Bảo hiểm Bảo Việt, PJICO, PTI, Liberty và Bảo hiểm PVI) cho thấy, các khách hàng VIP theo kiểu bán buôn là ngân hàng, garage, showroom ô tô mỗi năm đóng góp doanh thu hàng tỷ đồng cho các DNBH. Riêng hệ thống showroom ô tô Thaco mỗi năm đóng góp khoảng 150 tỷ đồng phí bảo hiểm cho tổng số 5 DNBH kể trên. Toyota là showroom đứng thứ 2 về bán bảo hiểm cho các DNBH qua kênh này.
Bởi vậy, nếu tiếp tục áp phí cao giống như đối với các khách hàng đơn lẻ thông thường khác, ở mức 1,5%, khách VIP sẽ bỏ “chơi” với DNBH. Thêm vào đó, bên cạnh việc mang lại doanh thu lớn cho DNBH, việc bán bảo hiểm vật chất xe qua ngân hàng hay showroom đều là cho xe mới, chưa có rủi ro, nên cần được ưu tiên áp phí thấp hơn.
“Mặc dù đã chính thức áp dụng mức phí mới từ mấy tháng nay nhưng DNBH đang gặp khó trong việc giải thích cũng như thuyết phục khách hàng lớn mua bảo hiểm ở mức 1,5%. Nếu rủi ro thấp mà vẫn tăng phí thì sẽ ngược với quy luật của bảo hiểm. Chính vì vậy, mức phí mà chúng tôi đang áp dụng cho đối tượng khách hàng này là 1,4%. Mặc dù vậy, mức phí này vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Cần phải xem xét lùi thời hạn tăng phí đối với khách hàng VIP”, phụ trách ban bảo hiểm xe cơ giới của một DNBH lớn đề xuất.