Theo một đánh giá mới nhất của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đã giảm 45.029 tỷ đồng so với quý I/2013 (125.450 tỷ đồng, giảm hơn 35%).
Trong đó, phân khúc chung cư còn tồn khoảng 17.445 căn hộ, tương đương 26.512 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng ước tính khoảng 13.862 căn, tương đương 23.620 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở hơn 8,9 triệu m2, tương đương 28.841 tỷ đồng. Địa phương có giá trị tồn kho bất động sản lớn nhất là TP. HCM với số lượng hàng hoá khoảng 15.804 tỷ đồng, Hà Nội xếp thứ 2 với khoảng 10.915 tỷ đồng.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 02/2013/NQ - CP, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Do thị trường có chuyển biến tốt nên một số dự án nhà ở tạm ngừng trước đây thì nay đang được triển khai trở lại và tiếp tục mở bán. Nguồn cung hàng hóa nhà ở tại TP. HCM và Hà Nội hiện khá lớn và đa dạng, nhiều sản phẩm nhà ở đã xây xong, sẵn sàng bàn giao cho người mua.
Báo cáo hàng tồn kho giảm những tháng gần đây là cơ sở để các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ xây dựng tại các dự án. Những dự án ì ạch bấy lâu như Park City (Hà Đông), Golden Land (75 Nguyễn Trãi), Golden Place (Mễ Trì), Berriver Long Biên (Nguyễn Văn Cừ), Văn Phú Victoria (Hà Đông)… đang được đẩy nhanh tốc độ thi công lên 3 ca/ngày. Một số dự án bất động trong nhiều năm như CT1 Vân Canh (với cái tên mới là CT Number One, huyện Hoài Đức), AZ Lâm Viên Complex (quận Cầu Giấy), Green Stars (Bắc Từ Liêm), Mỹ Sơn Tower (Thanh Xuân)… cũng được khởi động trở lại với tốc độ thi công khẩn trương. Các dự án này sẽ bổ sung cho thị trường không dưới 5.000 căn hộ với giá khá đa dạng, từ 11 – 12 triệu đồng/m2 cho tới tận 34 – 39 triệu đồng/m2.
Việc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và mở bán liên tục là tín hiệu tốt với thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa thực sự mang lại những biến đổi lớn. Tại khu vực vùng ven Hà Nội, chuyện các căn hộ, biệt thự, nhà liền kề tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), Usilk City, An Hưng hay Hyundai Hillstat, Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh – Geleximco, Splendora, Khu đô thị Vân Canh, Kim Chung – Di Trạch, Lideco (Hoài Đức) vẫn để hoang vắng, cho thấy con số 10.915 tỷ đồng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2013.
Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất do Vietnam Report công bố hồi tháng 4/2014 cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp xây dựng - bất động sản - vật liệu xây dựng sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn, đến 50% so với tỷ lệ bình quân của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng này. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) của các doanh nghiệp bất động sản lại chỉ bằng phân nửa so với bình quân chung. Bởi vậy, để giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh, chuyện giảm tồn kho, đẩy mạnh bán hàng vẫn là chính yếu với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.