Sở hữu 7 dự án năng lượng tái tạo quy mô khủng, “đại gia” Philippines nêu lý do đầu tư tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mức độ tăng trưởng tiêu dùng điện 11% trong các tháng đầu năm là một trong những điểm thu hút của thị trường Việt Nam với các nhà phát triển năng lượng.
Sở hữu 7 dự án năng lượng tái tạo quy mô khủng, “đại gia” Philippines nêu lý do đầu tư tại Việt Nam

Tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức ngày 28/5, chia sẻ trong phiên tham luận: “Từ "nâu" đến "xanh" - Đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu”, ông Jonathan Back, Tổng giám đốc Tài chính, Ayala Energy cho biết, Ayala là doanh nghiệp năng lượng lớn tại Philippines, đồng thời có hoạt động tại nhiều quốc gia, trong đó có các dự án tại Việt Nam, Indonesia, Australia...

Trả lời câu hỏi tại sao lại đầu tư vào Việt Nam từ cách đây 6 năm, ông Jonathan Back cho biết, Ayala Energy chưa phải doanh nghiệp lâu đời trong ngành năng lượng nhưng may mắn là có tốc độ tăng trưởng nhanh, mà động lực đến từ việc tích cực nắm bắt các cơ hội.

“Cho tới nay, Ayala Energy đã xây dựng 7 nhà máy năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tại sao chúng tôi chọn Việt Nam? Ngay từ khi chúng tôi vào thị trường Việt Nam cách đây 6 năm, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo.

Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng tốc độ của Việt Nam rất ấn tượng. Với chủ trương giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy điện nhiên liệu hoá thạch, thúc đẩy năng lượng tái tạo, chính phủ Việt Nam có các chính sách ưu đãi với nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo, trong đó có cơ chế giá FIT được đánh giá cao”, ông Jonathan Back cho biết.

Ông Jonathan Back, Tổng giám đốc Tài chính, Ayala Energy

Ông Jonathan Back, Tổng giám đốc Tài chính, Ayala Energy

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” chính là quá trình giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và tạo ra nguồn năng lượng xanh thay thế, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đối với tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng.

“Tại Philippines, tiêu thụ điện kể từ đầu năm tới nay tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và Việt Nam cũng tăng trưởng với tốc độ như vậy. Lượng điện tiêu thụ tăng theo năm nên các quốc gia mà chúng tôi hiện diện chính là nơi Tập đoàn tin tưởng rằng có nhiều yếu tố thuận lợi cho năng lượng tái tạo. Tôi đánh giá tương lai rất khả quan cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, ông Jonathan Back nhấn mạnh.

Tựu chung, lý do thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà phát triển năng lượng sạch bao gồm: có tiềm năng tăng trưởng lớn khi lượng điện tiêu thụ tăng 2 chữ số và Chính phủ có nhiều chính sách tạo động lực cho phát triển năng lượng tái tạo.

Những năm gần đây, Acen Corporation (AC Energy) – công ty con của Ayala đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng mặt trời để đạt được mục tiêu trở thành nền tảng năng lượng tái tạo được niêm yết lớn nhất ở Đông Nam Á. Doanh nghiệp này có hơn 3.000 megawatt công suất phát điện phân bổ trên khắp Australia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, AC Energy còn có 18.000 megawatt khác đang được phát triển cùng nhiều đối tác khác nhau trong khu vực.

Cái tên AC Energy thu hút sự chú ý trên thị trường với thương vụ chi chi 165 triệu USD mua cổ phần tại 9 dự án điện mặt trời từ Super Energy tại Việt Nam, từ đó giành vị trí nhà đầu tư năng lượng tái tạo nước ngoài lớn bậc nhất tại Việt Nam.

Phiên tham luận: “Từ "nâu" đến "xanh" - Đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu”

Phiên tham luận: “Từ "nâu" đến "xanh" - Đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu”

Chia sẻ thêm về quá trình chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có thể lấy ví dụ câu chuyện tại Quảng Ninh.

Quảng Ninh là tỉnh có lợi thế đặc thù về sản xuất than và từ đó phát triển các nhà máy điện than. Hiện tại, chính quyền địa phương đang rất nỗ lực để chuyển sang năng lượng xanh, theo đuổi kinh tế tuần hoàn.

“5 năm gần đây, Quảng Ninh cũng đứng hàng đầu các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh và các chỉ số về phát triển kinh tế số. Câu chuyện tại Quảng Ninh chính là bức tranh thu nhỏ của diễn biến tại Việt Nam nói chung. Điều này cho thấy chúng tôi đã có sự thay đổi: phương thức phát triển kinh tế không còn dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên mà vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh và theo đuổi chiến lược phát triển bền vững”, ông Cương cho biết.

Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 - một chiến lược phát triển xanh toàn diện mà Chính phủ đã ban hành.

“Việt Nam đã đưa ra cam kết có tính lịch sử tại COP 26 với mục tiêu mạnh mẽ đưa phát thải ròng bằng 0. Theo đó, Việt Nam có sáng kiến để tập hợp sức lực toàn xã hội cùng xây dựng nền kinh tế xanh. Các trợ lực bao gồm: có sự đồng lòng từ Chính phủ tới địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI…; huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các cam kết xanh, bền vững. Nhận thức của người dân cũng ngày càng cải thiện, nhất là thế hệ tiêu dùng trẻ”, ông Cương chia sẻ.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục