Đây là chia sẻ của ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tại Hội thảo: "Tìm Động Lực Tăng Trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference) do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức sáng ngày 23/5.
Thực hành ESG nâng giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư
Ông Matthew Smith cho biết, doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài thực hành tốt các yếu tố ESG nếu muốn tiếp cận dòng vốn quốc tế, bởi đây đã trở thành yếu tố bắt buộc.
"Các nhà đầu tư luôn phải tính toán và dự báo giá trị hợp lý của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn. Đây là lý do giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.
Ban đầu, việc đầu tư ESG có thể gây tranh cãi, bởi việc thực hành ESG đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, "ăn" vào dòng tiền. Tuy nhiên trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng, từ đó nhận về “phần thưởng”.
Bởi lý do này, từ góc nhìn của nhà đầu tư, công ty thực hành ESG có thể nâng dòng tiền dự kiến/kỳ vọng trong tương lai, giúp giá vốn mà nhà đầu tư bỏ ra thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, thực hành ESG giúp việc huy động vốn hiệu quả hơn, nhất là so với các công ty không thực hiện ESG tốt bằng", ông Matthew Smith cho biết.
Một ví dụ cho tới nay vẫn được các thành viên thị trường nhắc tới là sự cố của BP năm 2010 khi dàn khoan dầu bị rò rỉ trên đại dương. Không chỉ gây thiệt hại về người, sự cố này còn khiến lượng cá, sinh vật biển chết số lượng lớn, vùng biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ đã đưa ra mức phạt 21 tỷ USD với BP năm 2016 - mức phạt lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, “hình phạt” mà Công ty phải gánh chịu còn liên quan tới bồi thường cho ngư dân, khắc phục môi trường. Ước tính tổng thiệt hại lên tới 65 tỷ USD, chưa kể hình ảnh thương hiệu chịu tổn hại. Cũng từ sự cố này, giá cổ phiếu BP đã giảm hơn một nửa (52%).
Điều cần nhấn mạnh là trước khi sự cố xảy ra, chuẩn mực ESG của BP không tốt. Do đó, đây là ví dụ về việc doanh nghiệp không có chính sách tốt về ESG có thể chịu những hậu quả rất lớn nếu xảy ra sự cố và rất nhiều năm vẫn chưa thể hồi phục. Bên cạnh đó, việc thực hành ESG không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực tới đối với môi trường và xã hội.
Các yêu cầu ngày càng cao
Các yếu tố thúc đẩy thực hành ESG trên toàn cầu đầu tiên xuất phát từ các chính sách đòi hỏi mọi thành viên thị trường phải phân bổ vốn vào ESG: Các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức cần dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực ESG, doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào ESG để tuân thủ các quy định…
Các quy định về ESG thúc đẩy dòng chảy vốn vào lĩnh vực này |
Từ biểu đồ này có thể thấy, dòng vốn ESG bắt đầu tăng mạnh từ năm 2000. Năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các quy định giám sát cũng thay đổi, với nhiều quy định liên quan tới ESG trên thị trường tài chính, ban đầu là tại châu Âu, các nền kinh tế phát triển, sau đó lan rộng sang các thị trường khác.
Theo số liệu của Bloomberg, tính tới năm 2022, các tài sản ESG trên toàn cầu vào khoảng 30 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên gấp đôi cho tới năm 2030. Tất cả các nhà đầu tư định chế đều có chiến lược phân bổ vốn đầu tư cho ESG.
Nếu tính theo khu vực, Canada là quốc gia đứng đầu. Nếu nhìn vào số liệu, dòng vốn đầu tư ESG tại Úc và khu vực châu Âu có vẻ đang giảm xuống nhưng thực tế không phải. Đây là khu vực có các quy định ESG ngày càng nghiêm ngặt, họ phân loại được các doanh nghiệp chỉ đang “giả vờ” thực hành ESG, “tẩy xanh”. Vậy nên số liệu có sự điều chỉnh nhưng thực tế dòng vốn đầu tư cho ESG vẫn đang tăng trưởng.
Dòng vốn đầu tư ESG theo các quốc gia |
Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp phải quan tâm hàng đầu nếu muốn thu hút vốn quốc tế, bởi phần lớn nguồn vốn sẽ được phân bổ cho lĩnh vực ESG.
"Đáng chú ý là việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018. Theo quan sát của chúng tôi, đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai", ông Matthew Smith nhấn mạnh.
Nhấn mạnh yếu tố "quản trị"
Từ góc nhìn cá nhân, vị Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong 3 yếu tố thành phần E (môi trường) - S (xã hội) - G (quản trị), chữ G là quan trọng nhất.
"Tôi không tin một doanh nghiệp quản trị vớ vẩn lại rất quan tâm tới môi trường và xã hội. Nói một cách thẳng thắn, nếu “quản trị” không ra gì thì đừng kỳ vọng tới yếu tố “môi trường”, “xã hội” của doanh nghiệp”, ông Matthew Smith chia sẻ.
Toàn cảnh Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference) |
Theo đó, yếu tố quản trị cần các doanh nghiệp tích cực cải thiện, cùng với sự đồng hành của nhà quản lý và nhà đầu tư. Từ khía cạnh quản trị, vai trò của nhà quản lý, nhà đầu tư là bắt buộc phải trao đổi với chủ doanh nghiệp, yêu cầu, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn ESG cao hơn, ngặt nghèo hơn. Các chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài chắc chắn đã được nghe nhiều về vấn đề này và thực tế họ cũng không có sự lựa chọn khác, bởi đây đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
"Tại ASEAN đã có tổ chức chấm điểm quản trị. Nếu như năm 2019, Việt Nam chưa có đại diện doanh nghiệp nào nằm trong bảng xếp hạng thì năm 2021 đã có 1 doanh nghiệp. Trong tương lai, số doanh nghiệp Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này sẽ tăng lên. Theo trao đổi của tôi với các doanh nghiệp Việt Nam, họ rất quan tâm tới vấn đề này và cũng không thể nào làm khác được", ông Matthew Smith cho biết thêm.