Dựa trên báo cáo tài chính các ngân hàng công bố, ông ghi nhận thế nào về hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi số của các ngân hàng?
Trong giai đoạn 2023 - 2024, chuyển đổi số không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của ngành ngân hàng. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ chi phí dành cho công nghệ trong tổng chi phí hoạt động của toàn ngành đã tăng lên mức 14,85% - cao nhất trong vòng 4 năm qua, cho thấy các ngân hàng đang đầu tư mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào hạ tầng số.
Kết quả rõ ràng nhất được thể hiện qua chỉ số CIR (cost-to-income ratio, tỷ lệ chi phí trên doanh thu), giảm từ 44,67% trong năm 2023 xuống còn 43,16% trong năm 2024 - một mức cải thiện ấn tượng trong bối cảnh biên lãi thuần (NIM) toàn ngành vẫn đang chịu áp lực giảm.
|
Ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp |
Các ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số như Techcombank, MB, TPBank hay ACB đều đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. TPBank hiện có tới 94% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên nền tảng số; Techcombank đạt mức CIR thấp nhất hệ thống, duy trì dưới 30% nhờ số hóa toàn diện các quy trình và dịch vụ. Đặc biệt, việc ứng dụng AI trong phê duyệt tín dụng, định danh điện tử (eKYC) và tự động hóa giao dịch đã giúp rút ngắn thời gian xử lý khoản vay từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ.
Một điểm nổi bật khác là việc tối ưu nhân sự và tái cấu trúc vận hành nhờ công nghệ. BIDV là một minh chứng điển hình, khi giảm hơn 1.100 nhân sự trong năm 2024 nhưng vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận nhờ nâng cao năng suất lao động. Điều này cho thấy công nghệ đang góp phần quan trọng vào việc thay đổi mô hình hoạt động ngân hàng theo hướng tinh gọn - hiệu quả - linh hoạt.
Những dữ liệu trên đã khẳng định rằng đầu tư vào chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn về chi phí, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho các ngân hàng trong dài hạn.
Trong bối cảnh thương chiến vẫn đang căng thẳng, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ khó khăn, nhưng những ngân hàng có thế mạnh chuyển đổi số được đánh giá có cơ hội tăng trưởng tốt hơn. Ông nhận định ra sao?
Bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức cho toàn hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng chậm, NIM suy giảm liên tục do áp lực lãi suất đầu vào chưa giảm đủ nhanh, trong khi đầu ra bị siết bởi sức cầu yếu của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh đó, yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động không còn nằm ở việc mở rộng quy mô tín dụng, mà chuyển sang khả năng kiểm soát chi phí - đặc biệt là thông qua chỉ số CIR.
Chuyển đổi số chính là công cụ chủ lực giúp các ngân hàng cải thiện CIR. Những ngân hàng có nền tảng công nghệ mạnh như Techcombank, MB, TPBank, ACB… đang duy trì CIR quanh mức 30 - 35%, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành. Việc đầu tư công nghệ giúp các ngân hàng rút ngắn quy trình, giảm phụ thuộc vào nhân sự vận hành truyền thống, đồng thời mở rộng quy mô phục vụ khách hàng mà không cần gia tăng tương ứng về chi phí.
Mặt khác, khi khả năng tăng thu nhập lãi thuần gặp giới hạn, các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, bảo hiểm, quản lý tài sản. Việc xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện không chỉ giúp giữ chân khách hàng mà còn tăng giá trị vòng đời (customer lifetime value) của từng cá nhân. Đây là lợi thế mà các ngân hàng truyền thống khó có thể tạo dựng trong thời gian ngắn, nếu không có nền tảng công nghệ vững chắc.
Tóm lại, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không còn là động lực chính, năng lực chuyển đổi số chính là vũ khí cạnh tranh mới, quyết định ai có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững.
Có những ngân hàng thuần số từng gây chú ý 7 - 8 năm trước và thất bại sau 1 - 2 năm ra đời. Theo ông, vì sao các ngân hàng chuyển giao bắt buộc thời gian qua lại chọn mô hình này?
Việc lựa chọn mô hình ngân hàng thuần số đối với các tổ chức đang bị tái cấu trúc không chỉ là một lựa chọn chiến lược, mà thực sự là giải pháp mang tính sống còn. Trong quá khứ, thị trường từng kỳ vọng vào mô hình ngân hàng thuần số với các đại diện như Timo - một thương hiệu đi đầu trong hợp tác với ngân hàng truyền thống (VPBank) nhưng mô hình này sau đó đã gặp trở ngại về lợi nhuận, khả năng mở rộng và phải tái cấu trúc.
Bài học từ Timo cho thấy, ngân hàng thuần số nếu không tạo được sự khác biệt rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm thì rất dễ bị hoà lẫn với các ngân hàng truyền thống đang đẩy mạnh số hóa. Thực tế hiện nay, người dùng có thể thực hiện gần như đầy đủ giao dịch ngân hàng ngay trên ứng dụng của các ngân hàng lớn, khiến sự khác biệt giữa “thuần số” và “số mạnh” không còn rõ nét.
Tuy nhiên, đối với các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc - vốn hạn chế về quy mô, thương hiệu và nguồn lực, thì việc chuyển đổi sang mô hình ngân hàng số là cách duy nhất để tái cấu trúc toàn diện. Đây không phải là một phép thử, mà là con đường bắt buộc để giảm chi phí vận hành, tối ưu nguồn lực và tìm lại chỗ đứng trong thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.
Sau sáp nhập, các ngân hàng chuyển thành ngân hàng thuần số liệu có cạnh tranh được với ngân hàng truyền thống?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại thực trạng cạnh tranh theo phân khúc của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trước năm 2023, thị trường được chia khá rõ: nhóm ngân hàng quốc doanh tập trung vào mảng bán buôn và doanh nghiệp lớn; nhóm ngân hàng tư nhân mạnh về tín dụng bán lẻ, đặc biệt là vay tiêu dùng và dịch vụ cá nhân; còn nhóm ngân hàng quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ các phân khúc ngách. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, khi nhu cầu tín dụng cá nhân suy yếu, các ngân hàng lớn đã bắt đầu “lấn sân” sang các phân khúc vốn là thế mạnh của ngân hàng nhỏ, khiến ranh giới cạnh tranh bị xóa nhòa.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng quy mô nhỏ, đặc biệt là những ngân hàng đang trong diện bị chuyển giao bắt buộc gần như không còn khả năng cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng lớn, dù về chi phí vốn, thương hiệu, hay độ phủ khách hàng. Áp lực duy trì vận hành trong khi hiệu quả hoạt động kém khiến mô hình truyền thống không còn là lựa chọn phù hợp.
Chính vì vậy, việc chuyển sang mô hình ngân hàng thuần số là hướng đi chiến lược và tất yếu. Đây là lối đi riêng, cho phép ngân hàng lựa chọn phân khúc khách hàng mục tiêu khác biệt, chẳng hạn như thế hệ trẻ, người dùng yêu thích công nghệ, hoặc khách hàng ở vùng chưa được phục vụ hiệu quả bởi các ngân hàng truyền thống. Bên cạnh đó, ngân hàng số có thể tận dụng nền tảng công nghệ để vận hành tinh gọn, giảm chi phí, đồng thời thử nghiệm các sản phẩm tài chính mới một cách linh hoạt.
Quan trọng hơn, trong trường hợp các ngân hàng bị sáp nhập, mô hình ngân hàng số còn đóng vai trò bổ trợ chiến lược cho ngân hàng mẹ - trở thành cánh tay công nghệ thúc đẩy đổi mới toàn diện trong nội bộ hệ thống, thay vì chỉ là đơn vị độc lập cạnh tranh trên thị trường.
Trên thế giới, ngân hàng thuần số đang phát triển mạnh mẽ. Còn tại Việt Nam, ông dự báo mô hình này sẽ phát triển ra sao?
Trên thế giới, mô hình ngân hàng thuần số đã chứng minh sức sống lâu dài. Các tên tuổi như Monzo (Anh), N26 (Đức) hay KakaoBank (Hàn Quốc) không chỉ thu hút hàng triệu người dùng mà còn đạt được định giá hàng tỷ USD nhờ vào trải nghiệm khách hàng vượt trội và chi phí vận hành tinh gọn. Tại Việt Nam, hành lang pháp lý dần hoàn thiện, thói quen thanh toán không tiền mặt lan rộng và tỷ lệ người dân sở hữu smartphone vượt 70% đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng thuần số.
Tuy nhiên, hành trình này không dễ dàng. Trước hết là giới hạn về sản phẩm. Hầu hết ngân hàng số hiện nay chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, thanh toán, gửi tiết kiệm không kỳ hạn và vay tiêu dùng nhỏ. Các sản phẩm tài chính phức tạp như tín dụng thế chấp, đầu tư hoặc bảo hiểm tích hợp vẫn còn thiếu vắng. Hơn nữa, khách hàng chính của ngân hàng số hiện là giới trẻ - nhóm có xu hướng tiêu dùng mạnh nhưng lại không đóng góp nhiều cho huy động vốn dài hạn.
Trong khi đó, nhóm khách hàng lớn tuổi - có khả năng tài chính tốt - lại còn e dè với công nghệ, tạo ra sự “lệch pha” khó điều chỉnh trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, ngân hàng thuần số còn phải cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống đang số hóa mạnh mẽ và các Fintech linh hoạt.
Do đó, để phát triển bền vững, ngân hàng số tại Việt Nam cần đầu tư mạnh vào công nghệ lõi, cá nhân hóa dịch vụ, đồng thời mở rộng hệ sinh thái tài chính số toàn diện để các giải pháp của ngân hàng số thuần túy phải thực sự chạm vào nhu cầu của khách hàng và quan trọng là tạo được sự khác biệt số với mô hình truyền thống.