
Doanh nghiệp “nghe ngóng”
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại Đồng Nai cho biết, công ty của ông chuyên cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu nên sẽ chịu tác động ít nhiều từ biến động thuế quan.
Theo ông Tịnh, công ty ông tạm dừng kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhưng các đơn hàng cũ vẫn đang triển khai bình thường.
“Thuế suất cụ thể còn chờ vào kết quả đàm phán tới đây, nên việc dự báo ảnh hưởng như thế nào là rất khó. Tuy nhiên, chính sách thuế đã tác động lên thị trường ngoại hối và doanh nghiệp tôi gián tiếp chịu ảnh hưởng ngay từ bây giờ. Tỷ giá USD/VND tăng, trong khi sản xuất bao bì cần nhập nguyên liệu là hạt nhựa, nên chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng 2% khiến chi phí sản xuất tăng”, ông Tịnh cho biết.
Còn ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDI, doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp tại Hà Tĩnh chia sẻ, hiện chưa đo đếm được tác động của chính sách thuế quan của Mỹ tới hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ thuê đất của Đầu tư IDI đang “nghe ngóng tình hình”, còn doanh nghiệp xuất hàng sang châu Âu vẫn hoạt động bình thường.
Theo ghi nhận của Giám đốc Khối bán lẻ một ngân hàng thương mại cổ phần, một số ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu tác động mạnh nếu chính sách thuế đối ứng của Mỹ không điều chỉnh xuống. Khi đó, nguồn vốn FDI vào Việt Nam có khả năng chậm lại, bất động sản khu công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Xung quanh tác động của biến động thuế quan, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn chiến lược, tư vấn thương vụ tại PwC Việt Nam cho biết đang làm việc với hai nhóm khách hàng, gồm định hướng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động nhiều hơn, doanh nghiệp bán hàng cho Mỹ sẽ có chao đảo nhất định và cần tận dụng thời gian tạm hoãn 90 ngày để chuẩn bị, cân nhắc liệu việc xuất khẩu sang Mỹ có còn sức cạnh tranh nữa hay không và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.
“Hiện tại là khoảng thời gian để tính toán và lên kế hoạch”, ông Hiền nói.
Còn nhóm doanh nghiệp nội địa, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư, y tế, bán lẻ, theo ông Hiền, đang dự đoán khả năng tăng trưởng cũng như sức mua của người tiêu dùng có thể giảm đi trong thời gian tới. “Điều này sẽ tác động đến doanh số nên doanh nghiệp thời điểm này cần chủ động lập kế hoạch ứng phó”, ông Hiền chia sẻ.
Chính phủ Mỹ đã tạm hoãn áp dụng chính sách thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam trong vòng 90 ngày, đồng thời tiến hành đàm phán với các đối tác. Nhiều chuyên gia kỳ vọng quá trình đàm phán sẽ đi đến kết quả đưa thuế suất hàng Việt Nam vào Mỹ thấp hơn nhiều so với mức đưa ra ban đầu. Tuy vậy, ông Tùng Nguyễn, luật sư cộng sự tại Công ty Luật Baker Hostetler khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng sớm các kịch bản, kế hoạch kinh doanh và làm việc với đối tác từ phía Mỹ để tìm cách chia sẻ rủi ro. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đánh giá tác động của việc tăng thuế, đồng thời có biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình trong chuỗi giá trị.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham nhận định: “Phản ứng của doanh nghiệp, giống như một con tàu chở hàng lớn, không thể nhanh chóng được, mà phải cân nhắc kỹ lưỡng”.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, doanh nghiệp không thể dừng ngay lập tức mọi việc. Để đánh giá tác động của chính sách thuế, vẫn cần đợi thêm một thời gian nữa, ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác ở Mỹ có thể trao đổi, thương lượng về giá để chia sẻ thiệt hại hay có những mặt hàng của Việt Nam, Mỹ không dễ thay thế ngay được...
Tăng trưởng tín dụng, động lực từ đầu tư công
Rõ ràng, nếu chính sách thuế đối ứng của Mỹ được thực thi, các doanh nghiệp, ngành hàng khác nhau sẽ chịu tác động khác nhau.
Trong ngành ngân hàng, bà Trần Kim Phượng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank sẽ đạt 13% trong năm 2025 và 14% trong năm 2026, chủ yếu được hỗ trợ bởi việc Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công. Mặc dù các yếu tố bất định như chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm giảm hoạt động xuất khẩu và hạn chế dòng vốn FDI, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng doanh nghiệp, song việc các dự án hạ tầng được đẩy mạnh nhiều khả năng sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng tín dụng.
“Vietcombank có vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội cho vay liên quan đến các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông và năng lượng. Mảng bán lẻ của Ngân hàng có thể tăng trưởng chậm hơn trong năm 2025 do bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động”, bà Phượng phân tích.
Tương tự, VietinBank được đánh giá có triển vọng tăng trưởng tín dụng tích cực nhờ lợi thế cho vay các dự án công và dự án lớn ở khu vực tư nhân.
Liên quan đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ thông tin đáng chú ý, đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nợ nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 5,36% trên tổng dư nợ, bao gồm cả 5 ngân hàng tái cấu trúc. Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc, tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.
Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%; tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%. Còn lại là nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hùng, 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý. Nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp. Dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời.
“Kể cả các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng rất vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực”, ông Hùng thông tin.