Số hóa nghiệp vụ ngân hàng sẽ phát triển khi pháp luật kịp thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số hóa là một khái niệm mới, hay đúng hơn là một quan điểm mới, hiểu đơn giản là việc thay thế các quy trình, thao tác làm việc thủ công bằng một quy trình mới dựa trên việc ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin.
Việc số hóa nghiệp vụ ngân hàng phát triển nhanh đến đâu sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của pháp luật. Việc số hóa nghiệp vụ ngân hàng phát triển nhanh đến đâu sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của pháp luật.

Số hóa đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực và gần đây cũng được nhắc đến nhiều trong giới tài chính - ngân hàng, trở thành một xu hướng phát triển nghiệp vụ tất yếu. Tuy nhiên, có những vấn đề pháp lý cần thay đổi để phục vụ cho tiến trình số hóa nghiệp vụ ngân hàng.

Tác động của hành lang pháp lý

Số hóa nghiệp vụ ngân hàng có thể coi là một sự gắn kết bởi 3 yếu tố chính: một là, cơ chế kiểm soát tính khách quan của các yếu tố xác thực trong giao dịch số; hai là, nền tảng công nghệ; ba là, quy trình triển khai nghiệp vụ căn bản.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Về cơ chế kiểm soát những yếu tố xác thực trong giao dịch số, cần nhấn mạnh đến các điểm chính là chữ ký giao dịch. Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin và các văn bản dưới luật khác đã mở ra cơ chế giao dịch số với chữ ký số, chứng thư số.

Cơ bản, ngành ngân hàng đã đáp ứng được cơ chế kiểm soát yếu tố xác thực trong giao dịch số. Ngân hàng thường tiếp nhận các lô chữ ký số được chứng thực và cung cấp cho khách hàng để giao dịch dưới nhiều dạng công nghệ về chữ ký điện tử (esign, usb token).

Thông qua cơ chế kết nối liên thông kiểm tra chéo với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, ngân hàng lưu giữ được các bằng chứng xác thực giao dịch mà pháp luật công nhận.

Hành lang pháp lý theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đủ hợp lý để ngân hàng bảo đảm được cơ chế kiểm soát yếu tố xác thực trong giao dịch số.

Về nền tảng công nghệ, nhiều ngân hàng đã thực sự chú trọng đầu tư vào yếu tố này từ lâu và nay chính thức bước vào cuộc đua đẩy cao số hóa nghiệp vụ bằng những khoản đầu tư mới. Với năng lực tài chính và nhu cầu chuyển đổi của mỗi ngân hàng, nền tảng công nghệ là điều mà hầu hết ngân hàng có thể chủ động bảo đảm được.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở yếu tố sau cùng, đó là quy trình triển khai nghiệp vụ căn bản. Khác với doanh nghiệp thông thường, ngân hàng chỉ được làm những gì mà Ngân hàng Nhà nước bằng pháp luật cho phép thực hiện. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong mỗi khâu nghiệp vụ và được cụ thể hóa bằng một hệ thống quy định pháp luật đồ sộ về mỗi lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng.

Trong 2 lĩnh vực truyền thống then chốt là dịch vụ ngân hàng và cấp tín dụng, tiến trình hoàn thiện pháp quy gắn với số hóa đã diễn ra khá toàn diện ở lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Giờ đây, với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng của ngân hàng theo quy định pháp luật có thể mở tài khoản từ xa với quy trình xác minh danh tính (KYC) điện tử. Khách hàng có thể hoàn toàn thực hiện các giao dịch tài khoản bằng phương thức số không cần giấy tờ…

Thế nhưng, với quy trình nghiệp vụ cấp tín dụng căn bản, tiến trình pháp lý đồng bộ với số hóa lại rất chậm và phải tiến hành thủ công ở nhiều khâu theo hành lang pháp lý nghiệp vụ căn bản mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Điển hình như Thông tư 39/2016/TT-NHHH của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay, thoả thuận cho vay phải lập thành văn bản, phải lưu giữ hồ sơ.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng không thể tìm ra căn cứ pháp lý thực sự rõ ràng cho việc có được lập và lưu giữ thỏa thuận cho vay dưới dạng văn bản điện tử hay không.

Điều này cho thấy, dù đã có cơ chế kiểm soát tính xác thực trong giao dịch số, đã có nền tảng công nghệ tốt để quản trị nghiệp vụ số hóa…, nhưng các ngân hàng không thể chủ động vượt qua yếu tố cuối cùng là quy trình nghiệp vụ căn bản, vì yếu tố này chịu sự ràng buộc bởi những trở ngại trong quy định pháp luật quản lý nghiệp vụ hiện hành.

Thay đổi để số hóa kịp phát triển

Theo một dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/20216/TT-NHHH từ Ngân hàng Nhà nước, có thể tới đây, hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử sẽ có riêng một quy định để gỡ bỏ rào cản hiện hành, mở đường cho giao dịch số hóa trong cho vay của ngân hàng.

Đến nay, vẫn còn những lỗ hổng trong cơ chế hướng dẫn, phối hợp để pháp luật tư pháp đuổi kịp pháp luật số hóa trong thực tiễn giải quyết tranh chấp từ giao dịch số, nếu không thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động số hóa nghiệp vụ ngân hàng.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Tuy nhiên, nếu thay đổi chỉ dừng lại ở Ngân hàng Nhà nước thôi thì chưa đủ. Một trong những mục tiêu của số hóa nghiệp vụ ngân hàng là giảm bớt sự cồng kềnh của khối lượng giấy tờ trong mỗi khâu, nhưng số lượng giấy tờ cồng kềnh đó lại phụ thuộc vào hàng loạt quy định pháp luật về thuế, về hạch toán, kế toán và thống kê lưu trữ (chẳng hạn, các ngân hàng phải lưu trữ bằng văn bản các chứng từ kế toán lập báo cáo tài chính tối thiểu 5 năm…). Chính vì thế, ngân hàng vẫn bị ràng buộc bởi quy định này và mỗi bước nghiệp vụ triển khai để lại khối lượng giấy tờ khổng lồ.

Một bất cập khác trong hoạt động số hóa trong lĩnh vực ngân hàng đến từ thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh từ giao dịch số. Có những vụ án khi tranh chấp xảy ra, thay vì đơn giản xuất trình những dữ liệu chứng minh giao dịch điện tử, ngân hàng phải văn bản hóa các dữ liệu đó, rồi lập thêm văn bản giải trình về giao dịch, giải trình về việc tại sao lại giao dịch số mà không phải giao dịch bằng văn bản.

Để tòa án hiểu, ngân hàng còn phải lập hàng loạt văn bản giải thích các vấn đề liên quan về giao dịch số, rồi lại chờ tòa án xác minh làm rõ giao dịch số với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Vậy là với những tranh chấp từ giao dịch số, thời gian và số lượng văn bản giải trình mất nhiều hơn là tranh chấp từ giao dịch văn bản thông thường. Nhiều vụ việc, tòa án phủ quyết chứng cứ dữ liệu điện tử và cho rằng, ngân hàng phải chứng minh bằng chứng cứ vật chất (văn bản tài liệu cụ thể bằng giấy). Không chứng minh được, phần bất lợi thuộc về ngân hàng theo quyết định của tòa.

Đến nay, vẫn còn những lỗ hổng trong cơ chế hướng dẫn, phối hợp để pháp luật tư pháp đuổi kịp pháp luật số hóa trong thực tiễn giải quyết tranh chấp từ giao dịch số, nếu không thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động số hóa nghiệp vụ ngân hàng.

Như vậy, một điều chắc chắn là việc số hóa nghiệp vụ ngân hàng phát triển nhanh đến đâu sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của pháp luật. Còn điều không chắc chắn là tốc độ thay đổi từ phía pháp luật trực tiếp về nghiệp vụ ngân hàng nói riêng, các vấn đề pháp lý liên quan trong hệ thống pháp luật nói chung.

Luật sư Trần Minh Hải
Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục