Sợ hãi bao trùm, giới đầu tư bỏ chạy thoát thân

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall chứng kiến một trong những phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm nay vào hôm thứ Tư (28/10).

Sợ hãi bao trùm, giới đầu tư bỏ chạy thoát thân

Sự gia tăng chóng mặt các ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ và châu Âu khiến tâm lý thị trường chìm trong sợ hãi vào phiên giao dịch giữa tuần và các nhà đầu tư tìm cách rút lui.

Đức và Pháp hôm 28/10 công bố thêm các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan dịch bệnh và Mỹ tiếp tục ghi nhận những con số kỷ lục.

Số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày tại Mỹ vào hôm thứ Ba (27/10) đã tăng vọt trở lại, lên trên 70.000 ca/ngày khi chứng khiến số lượng bệnh nhân nhập viện kỷ lục tại 12 bang. Theo báo cáo của New York Times, Mỹ đã ghi nhận kỷ lục 500.000 ca nhiễm trong tuần qua với trung bình 71.832 ca/ngày.

Mặt khác, thị trường càng thêm lo lắng khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi của nhà đầu tư trên thị trường, tăng vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 15/6.

Còn sáu ngày nữa là đến ngày bầu cử, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò, song khoảng cách đã có dấu hiệu thu hẹp. Theo thăm dò mới nhất của RealClearPolitics, ông Trump đã vượt qua ông Joe Biden về tỷ lệ ủng hộ tại Floria, một bang chiến địa trên bản đồ bầu cử. Những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử làm dấy lên lo ngại ngày trọng đại 3/11 sẽ không thể trải qua một cách êm đềm.

Trong khi đó, thị trường thêm biến động trước sự kiện các giám đốc điều hành của Alphabet Inc, Google, Facebook và Twitter phải tham gia phiên điều trần của Tiểu ban Thương mại thuộc Thượng viện Mỹ vào hôm thứ Tư để làm rõ vấn đề, liệu các trang web truyền thông xã hội có phải chịu trách nhiệm về nội dung do người dùng của họ đăng hay không.

Đồng thời, Phố Wall tiếp nhận đón nhận hàng loạt báo cáo thu nhập quý III. Microsoft báo cáo lợi nhuận và doanh thu cao hơn dự báo trong quý tuy nhiên, cổ phiếu này rơi 5% do dự báo doanh thu thấp trong kỳ tới.

Boeing đã công bố mức lỗ quý III thấp hơn dự kiến, nhưng công ty cho biết có kế hoạch cắt giảm thêm hàng ngàn lao động cho đến năm 2021 nhằm điều chỉnh theo đà sự giảm trong dài hạn của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại nước này đã thu hẹp xuống còn 79,4 tỷ USD trong tháng 9, tốt hơn so với dự báo trước đó.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số Dow Jones giảm 943,24 điểm (-3,43%), xuống 26,619,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 119,65 điểm (-3,53%) xuống 3.271,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 426,48 điểm (-3,73%), xuống 11.004,87 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng bị nhấn chìm trong sắc đỏ phiên ngày thứ Tư khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi đại dịch Covid-19.

Các quan chức Đức đã đồng ý đóng cửa một phần các hoạt động trong 4 tuần, trong khi Chính phủ Pháp áp đặt các lệnh hạn chế mới trên toàn quốc cho đến ngày 01/12. Nỗi sợ hãi đóng cửa nền kinh tế làm lu mờ loạt kết quả kinh doanh quý III khả quan từ Deutsche Bank và nhà bán lẻ Carrefour.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 146,19 điểm (-2,55%), xuống 5.582,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 503,06 điểm (-4,17%), xuống 11.560,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 159,54 điểm (-3,37%) xuống 4.571,12 điểm.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên hôm 28/10. Chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 3 liên tiếp bởi lo ngại các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở châu Âu và Mỹ có thể gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm khi giới đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe nhờ kinh tế sẽ phục hồi hơn nữa sau đại dịch.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 67,29 điểm (-0,29%), xuống 23.418,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,92 điểm (+0,46%), lên 3.269,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 78,39 điểm (-0,32%), xuống 24.708,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 14,42 điểm (+0,62%), lên 2.345,26 điểm.

Giá vàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tuần qua trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong bối cảnh chỉ số giá đồng USD mạnh lên. Thị trường kim loại trú ẩn an toàn không thể hút được dòng tiền dù thị trường chứng khoán chứng kiến đợt bán tháo trên diện rộng phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 28/10, giá vàng giao ngay giảm 31,10 USD (-1,63%), xuống 1.876,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 32,70 USD (-1,71%), xuống 1.879,20 USD/ounce.

Giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trước làn sóng dịch bệnh lây lan nhanh tại Mỹ và châu Âu khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.

Viện Dầu khí Mỹ (API) hôm thứ Tư báo cáo, sản lượng dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng vọt 4,6 triệu thùng, tăng nhiều hơn nhiều so với con số dự kiến ban đầu là 1,2 triệu thùng. Ngoài ra, tồn kho xăng bất ngờ tăng 2,6 triệu thùng so với kỳ vọng giảm 1 triệu thùng.

Kết thúc phiên 28/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,12 USD (-5,5%), xuống 39,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,08 USD (-5,1%), xuống 39,12 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục