Tin xấu dồn dập, giới đầu tư tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới (26/10) với phiên giao dịch tồi tệ nhất trong bốn tuần qua.
Tin xấu dồn dập, giới đầu tư tháo chạy

Thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ trong phiên ngày thứ Hai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục gia lan nhanh trên toàn cầu. Mỹ, Nga và Pháp thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm gia tăng hàng ngày, trong khi ​​Tây Ban Nha và Ý thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội. Số người Mỹ nhập viện vì Covid-19 vào cuối tuần qua cũng đã tăng lên mức cao nhất ghi nhận được trong hai tháng qua.

Mặt khác, tại Washington, các cuộc đàm phán kéo dài không đem lại kết quả khiến khả năng tung ra gói viện trợ kinh tế bổ sung trong tương lai gần ngày càng mù mờ trong khi chỉ còn hơn một tuần nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong một lá thư gửi cho các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện hôm thứ Hai (26/10) tiết lộ, không có tín hiệu nào cho thấy sự tiến trong các cuộc đàm phán và chỉ trích Nhà Trắng thiếu quan tâm sát sao đến tình hình dịch bệnh.

“Việc đảng Cộng hòa tiếp tục đầu hàng Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới, là hành vi sai trái”, bà Pelosi nói.

Bên cạnh đó, tuần này đánh dấu một trong những tuần bận rộn nhất trong mùa báo cao thu nhập quý III khi thị trường sẽ đón nhận ​​kết quả từ các công ty công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Apple, Amazon.com, Microsoft, Alphabet - công ty mẹ của Google và Facebook.

Trong số 139 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo thu nhập cho đến nay, 83,5% đã vượt qua kỳ vọng của Phố Wall, theo dữ liệu của Refinitiv.

Về dữ liệu dữ liệu kinh tế, theo báo cáo mới nhất của Cục điều tra dân số Mỹ, doanh số bán nhà mới tại Mỹ tháng 9 bất ngờ chậm lại, giảm 3,5% xuống mức 959.000 đơn vị.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khu vực Chicago cho biết, chỉ số hoạt động quốc gia cho tháng 9 giảm xuống mức 0,27 từ mức 1,11 trong tháng 8.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Dow Jones giảm 650,19 điểm (-2,29%), xuống 27.685,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 64,42 điểm (-1,86%) xuống 3.400,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 189,35 điểm (-1,64%), xuống 11.358,94 điểm.

Chứng khoán châu Âu quay lại đà giảm vào phiên đầu tuần trong bối cảnh những lo ngại về làn sóng dịch bệnh đang ngày một gia tăng đè nặng tâm lý thị trường.

Châu Âu trở thành khu vực thứ hai sau Mỹ Latinh vượt qua 250.000 ca tử vong vào hôm thứ Bảy (24/10), trong khi nhiều quốc gia Nam Âu báo cáo số ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày tăng cao kỷ lục.

Chứng khoán Đức ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong ba tháng qua sau khi hãng phần mềm SAP từ bỏ các mục tiêu lợi nhuận trung hạn và cảnh báo rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ​​để phục hồi sau đại dịch.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 68,27 điểm (-1,16%), xuống 5.792,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 468,57 điểm (-3,71%), xuống 12.157,18 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 93,52 điểm (-1,90%) xuống 4.816,12 điểm.

Sắc đỏ cũng bao trùm thị trường chứng khoán châu Á trong phiên khởi đầu tuần mới. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong bối cảnh giới đầu tư thận trọng trước đợt báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua của các doanh nghiệp, trong khi làn sóng dịch bệnh thứ hai trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do bị nhóm cổ phiếu tiêu dùng kéo chân, sau khi Kweichow Moutai, nhà sản xuất rượu lớn nhất nước này, công bố lợi nhuận quý tăng chậm hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 22,25 điểm (-0,09%), xuống 23.494,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,88 điểm (-0,82%), xuống 3.215,12 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 16,90 điểm (-0,72%), xuống 2.343,91 điểm.

Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Mặc dù đồng USD tăng giá song áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán đã giữ ổn định cho giá vàng trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 26/10, giá vàng giao ngay tăng 1,00 USD (+0,05%), lên 1.902,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,50 USD (+0,03%), lên 1.905,70 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm sâu, kéo dài tổn thất của tuần trước khi các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng ở Mỹ và châu Âu, bên cạnh việc Libya phục hồi sản lượng làm gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung.

Kết thúc phiên 26/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,29 USD (-3,2%), xuống 38,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,31 USD (-3,1%), xuống 40,46 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục