Giới đầu tư hoang mang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc tuần bằng một phiên giao dịch ảm đạm và không thể tránh khỏi một tuần giao dịch thất vọng trước những biến động khó lường trên thị trường.
Giới đầu tư hoang mang

Phát biểu trước tuyền thông ngày 23/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố, vẫn còn khả năng gói kích thích kinh tế bổ sung được tung ra trước ngày bầu cử vào đầu tháng tới, song kêu gọi, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn điều đó xảy ra, ông phải hành động, phải thuyết phục được các nhà lập pháp đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phản bác rằng, người cần thoả hiệp là bà Pelosi khi vẫn còn những khác biệt đáng kể trong quan điểm giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội.

Cùng ngày, Giám đốc hội đồng kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow dội một gáo nước lạnh vào những người đang hy vọng gói viện trợ sẽ thành hiện thực từ các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ.

“Sẽ rất khó khăn. Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận trong vài ngày tới, dự luật cần có thời gian để soạn thảo, sau đó thông qua bỏ phiếu ở Hạ viện và Thượng viện. Những quá trình này không hề dễ dàng”, Kudlow nói với Bloomberg.

Theo giới quan sát, thị trường vẫn tin tưởng, gói viện trợ cuối cùng chắc chắn sẽ được tung ra, vấn đề còn lại là quy mô và thời gian.

Trong khi đó, những diễn biến từ cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Donald Trump và Joe Biden ảnh hưởng không nhiều đến thị trường trong phiên cuối tuần.

Ông Biden tiếp tục dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò cử tri sau phiên tranh luận, nhưng những số liệu thống kê cũng cho thấy, khoảng cách giữa hai ứng cử viên đang thu hẹp hơn.

Mặt khác, những tin tức tích cực về mặt phương phát điều trị Covid-19 đã hỗ trợ thị trường trong phiên ngày thứ Sáu. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm thứ Năm đã phê duyệt loại thuốc đầu tiên dùng để chữa trị Covid-19, cũng là loại thuốc từng dùng để chữa trị cho ông Trump.

Loại thuốc này được gọi là remdesivir, sản xuất bởi hãng được Gilead Sciences. FDA cấp phép sản xuất cho Gilead Sciences bất chấp trước đó vài ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố remdesivir không có hiệu quả.

Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo được công bố hôm thứ Sáu bởi IHS Markit, chỉ số PMI cho cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vào tháng 10, cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 20 tháng qua.

Cụ thể, chỉ số PMI dịch vụ tăng lên 56 điểm từ 54,6 điểm trong tháng trước. Chỉ số PMI sản xuất ghi nhận ở mức 53,3 điểm, tăng nhẹ so với mức 53,2 điểm trong tháng 9.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Dow Jones giảm 28,09 điểm (-0,1%%), xuống 28.335,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,9 điểm (+0,34%), lên 3.465,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 42,28 điểm (+0,37%), lên 11.548,28 điểm.

Tâm lý thị trường chứng khoán Mỹ tuần vừa rồi bị đè nặng bởi tình trạng mông lung, không chắc chắn xung quanh gói cứu trợ, bộ ba chỉ số đều giảm điểm trong tuần. Chỉ số Dow giảm 0,95%, S&P 500 giảm 0,53% và Nasdaq Composite giảm 1,06%.

Chấm dứt chuỗi 4 phiên lao dốc, chứng khoán châu Âu kết thúc tuần bằng một phiên khởi sắc, được thúc đẩy bởi thông tin cập nhật tích cực từ báo cáo thu nhập của hai gã khổng lồ Barclays và Airbus.

Tuy nhiên, những lo lắng mà làn sóng dịch bệnh thứ hai tác động lên nền kinh tế khiến thị trường chứng khoán lục địa già chứng kiến ​​mức giảm hàng tuần lớn nhất trong tháng.

Tháng 10/2020, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận sụt giảm trước sự lây lan của đại dịch. Theo IHS Markit, chỉ số PMI của Eurozone giảm xuống mức 49,2 điểm từ mức 50,4 điểm trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp và đây cũng là mức thấp nhất trong 4 tháng qua.

Đức là điểm sáng duy nhất, trong khi Pháp và toàn bộ phần còn lại của Eurozone tiếp tục trượt sâu hơn theo xu hướng suy giảm. PMI của Đức giảm không đáng kể xuống 54,5 điểm nhưng với mức điểm này, nền kinh tế đầu tàu của Eurozone có thể sẽ tiếp tục mở rộng một cách vững chắc trong 4 tháng tiếp theo.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 74,63 điểm (+1,29%), lên 5.860,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,69 điểm (+0,82%), lên 12.645,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 58,26 điểm (+1,20%), lên 4.909,64 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 1,00%, chỉ số DAX giảm 2,04% và CAC40 giảm 0,52%.

Chứng khoán châu Á tiếp tục diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ trong bối cảnh kỳ vọng trên thị trường trở lại nhờ các dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán gói kích thích của Mỹ, nhưng giao dịch khá thận trọng khi một số nhà đầu tư đứng ngoài trước một chuỗi báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần tới.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi áp lực bán vẫn chưa dứt ở nhóm cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe do những lo ngại về định giá quá cao. Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm trong phiên cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ nhờ hy vọng vào gói kích thích của Mỹ, mặc dù các trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong nước gia tăng đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 42,32 điểm (+0,18%), lên 23.516,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 34,05 điểm (-1,04%), xuống 3.278,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 132,55 điểm (+0,54%), lên 24.918,78 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,76 điểm (+0,24%), lên 2.360,81 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,45%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,75%, chỉ số Hang Seng tăng 2,18% và chỉ số KOSPI tăng 0,82%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu đã giảm trở lại trước sức ép do sự hồi phục của đồng USD gây ra. Hiện tại, giới đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 3/11. Theo giới phân tích, các biện pháp kích thích có khả năng được thông qua hay bất kể ai thắng cử hay đều là những nhân tố hạn chế sự suy yếu của đồng USD.

Kết thúc phiên 23/10, giá vàng giao ngay giảm 3,80 USD (-0,2%), xuống 1.901,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,60 USD (-0,03%), xuống 1.905,20 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,08%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,06%.

Tuần này, trong số 17 chuyên gia trên phố Wall tham gia khải sát của Kitco, có 7 người, chiếm 41%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 3 người, chiếm 18%, cho rằng giá vàng giảm và có 7 người còn lại, chiếm 41%, dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.305 người tham gia, có 800 người, tương đương 61%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 255 người khác, chiếm 20%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 220 người còn lại, chiếm 20%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Sáu trong bối cảnh cung dầu thô từ Libya tăng mạnh trong khi nhu cầu đang sụt giảm trước làn sóng dịch bệnh thứ hai đang hoành hành tại Mỹ và châu Âu.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) hôm 23/10 cho biết, họ đã dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu từ các cảng chính và sản lượng của nước này sẽ đạt 1 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tới đây.

Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,79 USD (-1,98%), xuống 39,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,69 USD (-1,69 %), xuống 41,77 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 2,5%, giá dầu Brent giảm 2,7%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục