Tính đến thời điểm này, cả nước có trên 412.000 DN, trong đó có 345.000 DN đang nộp thuế (sự xác nhận của một DN đang hoạt động). Như vậy, số DN phá sản chiếm chưa đến 17% tổng số DN đăng ký mới kể từ khi chúng ta ban hành Luật DN đến nay. So với các nền kinh tế khác như Đài Loan, Hàn Quốc… thì tỷ lệ DN Việt Nam phá sản (ngừng hoạt động) rất thấp. Hiện tại, trên thế giới, cứ sau 7 năm có tới 70% DN thành lập mới bị phá sản, còn tại Việt Nam con số này chưa đầy 17%. Bởi lẽ, trên thế giới, điều kiện thành lập và phá sản DN rất đơn giản, ai cũng có thể thành lập DN, nên cứ có đủ điều kiện là thành lập DN, sau 1 thời gian hoạt động thấy không hiệu quả là đề nghị phá sản. Còn tại Việt Nam, quy trình, thủ tục thành lập DN không phức tạp, nhưng rất chặt chẽ, ai muốn thành lập DN đều có mục đích kinh doanh, kế hoạch kinh doanh rất rõ ràng nên số DN bị giải thể, phá sản (ngừng hoạt động) rất thấp.
Xin nói thêm, việc phá sản DN trên thế giới rất đơn giản, khi DN ngừng hoạt động người ta làm thủ tục phá sản. Còn ở Việt Nam, việc phá sản DN rất phức tạp, nên khi thấy kinh doanh không hiệu quả là người ta ngừng hoạt động (không đăng ký nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế địa phương), mà chúng ta thường được gọi là DN "ma". Những DN ngừng hoạt động không phải là DN "ma" (hàm ý chỉ những cá nhân thành lập DN để buôn bán hoá đơn bất hợp pháp, sau khi hoàn thành "phi vụ" là giải tán và thành lập DN khác), mà chẳng qua do điều kiện khách quan hoặc tính toán kế hoạch kinh doanh chưa đúng nên không kinh doanh nữa. Để tạo điều kiện cho người dân thành lập và phá sản DN, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản.
Về hiệu quả đầu tư, hệ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư so với tốc độ tăng trưởng GDP) của Việt Nam đã tăng từ mức 5,2 năm 2007 lên 6,68 năm 2008 (năm 2009, ICOR là 7,9 nếu GDP tăng 5%). ICOR của Việt Nam cao hơn so với bình quân của thế giới, đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây là do Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên chỉ số này thường cao hơn so với các nước đã phát triển. Ngoài ra, ICOR cao còn do chúng ta đang tập trung đầu tư để giải quyết vấn đề an sinh xã hội - lĩnh vực không sinh ra lợi nhuận (GDP), tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn - lĩnh vực sinh ra lợi nhuận thấp.
ICOR là chỉ số đánh giá hiệu quả của nền kinh tế (bỏ ra bao nhiêu đồng để tạo ra một đồng tăng trưởng GDP), nhưng chỉ là thước đo hiệu quả đầu tư trong 5 năm, 10 năm, thậm chí cả một chu kỳ phát triển và chỉ có thể so sánh trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường, chứ không thể so sánh khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.