Snapchat mở cửa cho game Việt đến Mỹ

Với sự hậu thuẫn tài chính của Tencent (Trung Quốc), Snapchat (ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh của Mỹ) đối đầu trực tiếp với TikTok, Facebook Ads khi đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận giới trẻ Mỹ, châu Âu.
Khách mời trải nghiệm ứng dụng Snapchat. Khách mời trải nghiệm ứng dụng Snapchat.

Tham vọng “bành trướng” sang trời Tây

Tựa game hành động lấy bối cảnh thần thoại Trung Hoa “Black Myth: Wukong” đã bán được hơn 10 triệu bản chỉ sau 3 ngày ra mắt (ngày 20/8). Mười ngày sau, tựa game này vẫn giữ vững vị trí thứ hai về doanh thu tại Mỹ và vị trí số 1 toàn cầu trên nền tảng phân phối game Steam, nơi nó được bán với giá khoảng 60 USD hoặc hơn.

Việc này khiến Chủ tịch Hero Games - đơn vị đồng phát hành game và là nhà đầu tư ban đầu vào nhà phát triển Game Science chia sẻ rằng, một tựa game AAA tiếp theo của Trung Quốc sẽ sớm xuất hiện. Thành công của tựa game này chứng minh cho cả thế giới thấy game AAA do Trung Quốc sản xuất có thể đạt doanh thu toàn cầu cao.

Chủ tịch Hero Games tiết lộ, có ít nhất một dự án game AAA khác đang được phát triển bởi một đối tác kinh doanh của Hero Games. Trong tương lai, các tựa game của công ty sẽ phát triển theo hướng chiến lược toàn cầu ngay từ đầu. Ông cũng kỳ vọng các nhà phát triển game AAA nước ngoài sẽ nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường Trung Quốc và điều chỉnh sản phẩm của họ để phù hợp với game thủ nước này.

Game AAA thường là những tựa game có đồ họa chất lượng cao và được đầu tư marketing bài bản. Trước đây, các tựa game AAA thường đến từ các “ông lớn” như Nintendo, Ubisoft và Electronic Arts.

Trung Quốc chỉ mới bắt đầu phê duyệt các tựa game mới trong vòng 2 năm trở lại đây, sau khi tạm dừng cấp phép và hạn chế thời gian chơi game của trẻ vị thành niên vào năm 2021. Điều này cho thấy, nước này đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với ngành công nghiệp game, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Ước tính, doanh thu thị trường game nội địa Trung Quốc đạt 147,27 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, doanh thu từ game console (thiết bị máy tính được sử dụng để xuất các tín hiệu về video và hình ảnh của một trò chơi điện tử lên một màn hình hiển thị) chỉ chiếm 0,5% trong con số đó.

Ở quy mô toàn cầu, doanh thu từ game do Trung Quốc phát triển tăng từ 11,6 tỷ USD năm 2019, lên 16,4 tỷ USD vào năm 2023. Các công ty Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, khẳng định tham vọng toàn cầu của ngành công nghiệp tỷ USD này chỉ vài năm sau đợt siết chặt quản lý game của các cơ quan quản lý.

Các studio game của Trung Quốc có bước tiến lớn ở thị trường toàn cầu, nhất là Mỹ, đang là miếng bánh béo bở đối với Công ty công nghệ Snap, đơn vị đứng sau ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Snapchat. Ngược lại, các ông lớn về game ở Trung Quốc khi gặp khó ở “sân nhà” đã nhắm đến thị trường game Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.

Điển hình như gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings và đối tác Nintendo (Nhật Bản) cũng có tham vọng “bành trướng” sang trời Tây.

Tencent nhận thấy số lượng người dùng và lượt tải game tại các khu vực địa lý nêu trên đã vượt xa quy mô thị trường Trung Quốc và nhận định cơ hội tăng trưởng tại đây, tương tự những gì công ty ghi nhận tại thị trường trong nước giai đoạn 2012-2015.

Trước đó, năm 2017, Snap Inc và Tencent trở thành đối tác của nhau. Theo đó, Snap Inc được Tencent hậu thuẫn về mặt tài chính, có thể lấn sân vào ngành công nghiệp game để gia tăng lợi nhuận cho công ty. Ngược lại, Tencent sẽ đạt được mục tiêu của mình, vươn vào thị trường Mỹ, châu Âu.

Snapchat là nền tảng nhắn tin và chia sẻ hình ảnh, video phổ biến. Tính chung đến tháng 8/2024, Snapchat có hơn 850 triệu người dùng mỗi tháng và 432 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày. Mỹ, châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ là những khu vực có lượng người dùng Snapchat đông đảo nhất. Cụ thể, có 200 triệu người dùng hàng tháng ở Ấn Độ, 150 triệu người dùng ở Bắc Mỹ và 21 triệu người dùng ở Anh.

Năm 2019, Snapchat giới thiệu một loạt game di động mới trên nền tảng mạng xã hội này, bao gồm Snake Squad, Zombie Rescue Squad và Bitmoji Party, Tiny Royale. Snap Games cho phép người dùng chơi trò chơi với nhiều người chơi bên trong ứng dụng nhắn tin.

Không chỉ vậy, Snapchat tận thu quảng cáo trên nền tảng khi đang thử nghiệm các liên kết được tài trợ trong các cuộc trò chuyện với chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp của mình. Snap đang đưa quảng cáo vào hai tính năng nổi bật của nó là Spotlight và chatbot được hỗ trợ bởi OpenAI mang tên “My AI”.

Snap bắt đầu thử nghiệm quảng cáo trong mục Spotlight vào năm 2022 và bắt đầu triển khai chúng trên toàn cầu vào giữa năm ngoái. Spotlight mang lại trải nghiệm giống TikTok.

Snap cũng đang đưa quảng cáo vào My AI, chatbot mà công ty đã triển khai gần đây cho tất cả người dùng. Theo đó, My AI có thể hiển thị các liên kết được tài trợ trực tiếp trong các cuộc trò chuyện với người dùng. Tương tự một cuộc trò chuyện về du lịch hoặc trò chơi điện tử có thể dẫn đến các liên kết được tài trợ từ hãng hàng không hoặc nhà bán lẻ trò chơi.

Snap đang khá thành công với mô hình quảng cáo tại Trung Quốc cho các studio game để đưa sản phẩm game phổ biến hơn tại thị trường Mỹ, châu Âu… giờ đây đang muốn thực hiện điều tương tự tại Việt Nam.

Màn chào sân không dành cho người dùng đại chúng

Cuối tuần qua, Snapchat chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Trong lần ra mắt này, Snapchat chỉ tập trung giới thiệu giải pháp quảng cáo “Snapchat for Business” dành cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường mà ứng dụng này có đông đảo người dùng là giới trẻ.

Snapchat đang tiếp cận 90% người dùng từ 13 đến 34 tuổi tại 25 quốc gia, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ. Với một lượng lớn người dùng trẻ trung, năng động, Snapchat là cầu nối lý tưởng để các thương hiệu Việt Nam tiếp cận giới trẻ trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, cộng đồng người dùng Gen Z và Millennial trên Snapchat có sức mua mạnh mẽ. Tại Mỹ, thế hệ Snapchat có sức chi tiêu tùy ý lên đến 2.200 tỷ USD.

Khoảng 61% người dùng Snapchat cho biết, bạn bè và gia đình là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định mua sắm của họ. Ngoài ra, thống kê cho thấy, 75% người dùng tin rằng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trên Snapchat góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm và tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa người tiêu dùng và các thương hiệu.

Trong 1-2 năm tới, Snapchat sẽ tập trung cung cấp dịch vụ quảng cáo nhắm đến các nhà cung cấp dịch vụ game. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu xuyên biên giới, các công ty du lịch lữ hành cũng nằm trong tầm ngắm thời điểm này. Hiện thị trường Việt Nam có khoảng 50 studio tập trung làm game cho thị trường quốc tế.

Ông Ajit Mohan, Chủ tịch Snap khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, việc ra mắt Snapchat for Business tại Việt Nam mang đến cơ hội giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối nhóm đối tượng khó tiếp cận nhưng có mức độ tương tác cao trên Snapchat từ khắp nơi trên thế giới.

“Với các định dạng quảng cáo sáng tạo và lượng người dùng lớn của Snapchat, chúng tôi cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ”, ông Ajit Mohan khẳng định.

Tại Việt Nam, MediaDonuts by Aleph sẽ là đại diện độc quyền triển khai các dịch vụ quảng cáo của Snapchat đến các doanh nghiệp.

Theo ông Pieter-Jan de Kroon, Giám đốc điều hành MediaDonuts by Aleph, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và ứng dụng di động.

Mọi chuyện mới chỉ bắt đầu và để tiếp cận thị trường Việt Nam, họ đã có phương án riêng biệt. Đặc biệt, đại diện Snapchat ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất tự tin những giải pháp họ cung cấp thành công cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc sẽ làm nên chuyện ở Việt Nam.

So với TikTok, Instagram, Facebook, thì Snapchat được coi là một ứng dụng chủ yếu dành cho giới trẻ. Trong khi các nền tảng khác ngày càng thiên về khả năng khám phá và hiển thị cho người dùng những nội dung giải trí từ những người không quen biết, thì Snapchat vẫn tập trung vào chiến lược lâu dài của mình là kết nối người dùng với các quan hệ xã hội ngoài đời thực của họ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Snapchat không theo kịp tốc độ tăng trưởng người dùng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Snap giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái và công ty báo lỗ hoạt động ở mức 769 triệu USD. Giá cổ phiếu của Snap giảm hơn 11% kể từ thời điểm này năm ngoái.

Giống như những nền tảng khác, doanh số bán hàng sụt giảm khi Snapchat nỗ lực cập nhật hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình để đối phó với những thay đổi trong chính sách theo dõi ứng dụng của Apple, cũng như việc công ty đổ tiền vào những đổi mới về AI.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, sự tăng trưởng người dùng của Snapchat sẽ tiếp tục mang đến cơ hội lớn cho công ty. Bởi suy cho cùng, các khách hàng, các nhà phát triển tiếp thị quảng cáo muốn tìm đến những nơi mà nhiều người nhìn thấy, hay số lượng người dùng nhiều.

Quý II/2024, Snapchat cán mốc kỷ lục với hơn 850 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, nhưng công ty mẹ Snap vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Theo đó, khoản lỗ đã giảm xuống còn 249 triệu USD so với mức 377 triệu USD so cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng từ 1 tỷ USD lên 1,2 tỷ USD cũng không đủ để làm hài lòng các nhà đầu tư. Năm 2023, công ty này báo lỗ 1,4 tỷ USD.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh, Snap cho biết, tiếp tục mở rộng nền tảng quảng cáo của mình với số lượng nhà quảng cáo hoạt động tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Snap sẽ đầu tư vào các mô hình AI thế hệ mới và tự động hóa để phát triển các công nghệ máy học và AI.

Hiện các nhà đầu tư dường như tập trung vào dự báo của Snap rằng, doanh thu tăng từ 12% đến 16% trong quý III, cho thấy kỳ vọng nhiều hơn đối với nền tảng quảng cáo của mạng xã hội Snapchat.

Trong những năm gần đây, Snap phải đối mặt với thách thức lớn trong cuộc đua giành thị phần quảng cáo với Instagram, YouTube và TikTok.

- Báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, nhu cầu quảng cáo xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá lớn. Doanh thu xuất khẩu B2C của Việt Nam dự kiến đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2027.

- Theo số liệu của Công ty Statista, mức chi tiêu cho quảng cáo trong ứng dụng (in-app) của ngành phát triển ứng dụng Việt Nam dự kiến tăng nhanh từ 166,25 triệu USD năm 2024, lên 247,55 triệu USD vào năm 2028.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục