Theo xếp hạng về năng lực cạnh tranh thế giới của Viện phát triển quản lý (IMD) có trụ sở tại Thụy Sỹ, Singapore tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong năm thứ hai liên tiếp.
Những nhân tố làm nên sự thành công của Singapore bao gồm thành tích kinh tế nổi bật của quốc đảo này, bắt nguồn từ thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, các biện pháp tích cực của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực tuyển dụng và thị trường lao động.
Singapore đã nới lỏng đáng kể việc thành lập doanh nghiệp, cũng như có lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng công nghệ hàng đầu.
Ngoài ra, nước này còn có thành tích ổn định trong hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ như viễn thông, tốc độ đường truyền Internet và xuất khẩu công nghệ cao.
Trong 63 nền kinh tế được xếp hạng, nhóm 5 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới bao gồm Singapore, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Hà Lan và Hong Kong (Trung Quốc); trong đó Hong Kong giảm 3 bậc so với xếp hạng năm ngoái do tình hình kinh tế, công ăn việc làm và xã hội suy giảm tương đối.
Ngoài Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), tăng lên vị trí thứ 11 từ vị trí 16 năm ngoái, xếp hạng của tất cả các nền kinh tế ở châu Á khác đều giảm so với cách đây 1 năm.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng giảm bậc xếp hạng do cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Mỹ giảm 7 bậc xuống vị trí thứ 10, còn Trung Quốc từ vị trí 14 năm ngoái giảm xuống vị trí 20.
Ở châu Âu, nền kinh tế Anh tăng từ vị trí 23 lên vị trí 19, Pháp giảm 1 bậc từ vị trí 31 xuống vị trí 32, Đức (17), Australia (18). Đáng chú ý, nền kinh tế Hy Lạp vươn lên vị trí 49 từ vị trí 58.
Bảng xếp hạng trên dựa trên những phản ứng trong quý 1 vừa qua của các nhà điều hành doanh nghiệp về vấn đề họ đánh giá như thế nào về nền kinh tế đất nước cũng như dựa trên những dữ liệu cứng của năm ngoái.