Silicon Valley Bank đã được mua lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã có 2 ngân hàng nộp hồ sơ dự thầu cho Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), cạnh tranh nhau để mua lại Silicon Valley Bank.
Silicon Valley Bank đã được mua lại

Valley National Bancorp (hay còn được gọi là Valley National Bank) và First Citizens Bank là 2 ngân hàng đang cạnh tranh để giành được Silicon Valley Bank (SVB) sau khi đơn vị này sụp đổ vào đầu tháng 3.

FDIC, cơ quan tiếp quản SVB và đang trong quá trình tìm bên mua lại trong suốt 2 tuần qua, vừa công bố, First Citizens Bank có trụ sở tại Raleigh, Bắc Carolina đã ký một thỏa thuận mua lại đối với tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của SVB. Thỏa thuận này bao gồm việc mua khoảng 72 tỷ USD tài sản SVB với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD.

Khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác sẽ vẫn nằm trong quyền tiếp nhận của FDIC, trong khi FDIC cũng có quyền đánh giá cao vốn cổ phần trong First Citizens Bank trị giá tới 500 triệu USD. Theo tuyên bố, chi phí ước tính của việc phá sản của SVB đối với Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) là khoảng 20 tỷ USD.

Frank Holding Jr., Giám đốc điều hành của First Citizens cho biết trong một tuyên bố: “Đây là một giao dịch đáng chú ý trong quan hệ đối tác với FDIC, điều này sẽ tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng”.

First Citizens Bank cho biết, họ sẽ nhận 56 tỷ USD tiền gửi và 17 chi nhánh từ SVB và sẽ bắt đầu vận hành SVB trở thành một bộ phận của First Citizens Bank. Bên cạnh đó, sẽ không có thay đổi ngay lập tức đối với tài khoản của khách hàng.

Thương vụ này cũng đã khiến một số nhà quan sát thị trường bối rối, họ đã đặt câu hỏi liệu First Citizens Bank có đủ khả năng để xử lý vụ đổ vỡ ngân hàng do FDIC hỗ trợ lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ hay không. Tính đến 24/3, First Citizens có vốn hóa thị trường đạt 8,4 tỷ USD; trong khi vốn hóa của Valley National - ngân hàng có trụ sở tại Wayne, New Jersey (Mỹ) - là 4,7 tỷ USD. Dù có mức vốn hóa khá khiêm tốn, nhưng First Citizens Bank đã từng có kinh nghiệm mua những ngân hàng khác. First Citizens Bank đã mua lại hơn 20 ngân hàng được FDIC hỗ trợ kể từ năm 2009, đạt được một loạt thỏa thuận sau cuộc khủng hoảng tài chính từ Washington đến Wisconsin đến Pennsylvania.

Silicon Valley Bank (SVB) đã trở thành ngân hàng Mỹ lớn nhất bị sụp đổ trong hơn 1 thập kỷ qua. Ngân hàng này đã bị lỗ nặng vì bán gấp các chứng khoán trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng và rơi vào tình trạng trên chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ. Cụ thể, sau khi SVB chịu khoản lỗ lớn trị giá 1,8 tỷ USD vì việc bán trái phiếu, đã khiến các nhà đầu tư và người tiền gửi vào ngân hàng này cảm thấy lo ngại và họ đã ồ ạt rút tiền ra khỏi SVB (bankrun), dẫn tới sự chấm dứt của ngân hàng 40 năm tuổi này.

Tính đến ngày cuối năm 2022, SVB Financial Group (công ty mẹ, đại đa số tài sản nằm trong Silicon Valley Bank) có khoảng 175 tỷ USD tiền gửi của khách hàng. SVB không cho vay nhiều, dư nợ tại ngày 31/12 chỉ khoảng 74 tỷ USD. Trong khi đó, ngân hàng này dùng tới gần 120 tỷ USD để đầu tư vào trái phiếu Kho bạc và các loại trái phiếu ít rủi ro khác.

Lãi suất tăng lên làm cho giá trái phiếu giảm xuống, nhưng 120 tỷ USD trái phiếu chất lượng cao của SVB vẫn có thể đem về khoảng 100 tỷ USD.

Tuy vậy, việc khách hàng rút 42 tỷ USD trong ngày 9/3 đã khiến SVB sụp đổ. Con số này không bao gồm số tiền bị rút trong các ngày trước đó, nhưng 42 tỷ USD nhỏ hơn 100 tỷ USD rất nhiều.

Nếu SVB thực sự có 100 – 120 tỷ USD trái phiếu an toàn thì việc kiếm được tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng là không quá khó. Nhiều người cho rằng SVB đã cố đi vay nhưng không được, lý do đơn giản là thủ tục đi vay quá rườm rà.

Trước đó, vào ngày 13/3 vừa qua, HSBC cho biết đã mua lại chi nhánh của SVB tại Anh (SVB UK) với giá 1 bảng (khoảng 28.000 đồng) để bảo vệ người gửi tiền và ngành công nghệ nước này. Theo HSBC, tính đến ngày 10/3, SVB UK có tổng tiền gửi là 8,1 tỷ USD và khoản vay 6,7 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 107 triệu USD.

Ông Noel Quinn (CEO của HSBC) cho biết, thương vụ này sẽ giúp củng cố mảng ngân hàng thương mại, đồng thời giúp họ tăng cường năng lực phục vụ cho các doanh nghiệp đổi mới và phát triển nhanh không chỉ ở Anh mà còn trên toàn thế giới.

Diệp Anh - Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục