Vụ SVB phá sản: SVB Financial mất quyền truy cập hồ sơ tài chính

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) được Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản, SVB Financial - tập đoàn mẹ của SVB - đã mất quyền truy cập vào hồ sơ tài chính của mình.
Người dân tập trung bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California, Mỹ ngày 13/3. (Ảnh: THX/TTXVN) Người dân tập trung bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California, Mỹ ngày 13/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hồ sơ trình lên tòa án ở Manhattan của Mỹ ngày 19/3, SVB Financial, tập đoàn mẹ đã phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), đã mất quyền truy cập vào hồ sơ tài chính của mình sau khi SVB được Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản.

Hiện SVB Financial đang cân nhắc các lựa chọn, bao gồm khả năng bán tài sản nhanh chóng mà không thông qua kiện tụng kéo dài tại tòa án bang để xác định quyền ưu tiên giữ thế chấp, đối với hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm và dịch vụ ngân hàng đầu tư - hai lĩnh vực vốn không nằm trong quyết định FDIC tiếp quản SVB.

Tuy nhiên, theo tài liệu được Giám đốc tái cấu trúc tài chính của SVB Financial Wialliam Kosturos đệ trình với tòa án thụ lý các vụ phá sản Mỹ, việc phá sản theo Chương 11 của tập đoàn này đã có khởi đầu "thách thức" do sự đổ vỡ trong hợp tác với một ngân hàng bắc cầu (có chức năng tiếp nhận tài sản và nợ của một ngân hàng khác) được thành lập để tiếp quản hoạt động của SVB.

Ông Kosturos cho biết SVB Financial hiện không có nhân viên riêng, trong khi các nhân viên ngân hàng mới đã "cắt quyền truy cập" đối với một phần đáng kể sổ sách, hồ sơ, tài liệu, hệ thống điện tử và nhân viên chủ chốt của SVB Financial. Hiện SVB Financial đang nỗ lực để có lại quyền truy cập.

Hôm 17/3, SVB Financial đã đệ đơn bảo hộ phá sản, khoảng một tuần sau khi giới chức quản lý ngành ngân hàng bang California đã đóng cửa SVB, trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo hồ sơ tòa án, FDIC hiện có ý định bán SVB.

Việc FDIC tiếp quản SVB đã loại bỏ nguồn thanh khoản chính và hầu hết cơ sở hạ tầng kinh doanh của SVB Financial, cũng như gây ra tình trạng vỡ nợ với khoản nợ của SVB Financial, buộc tập đoàn này phải phá sản.

Cũng theo hồ sơ này, SVB Financial đã thống kê có tài sản trị giá 19 tỷ USD, 2,2 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương, cùng 3,4 tỷ USD nợ phải trả.

Đến nay, khoảng 15,5 tỷ USD giá trị tài sản của SVB Financial đóng góp cho hoạt động ngân hàng của SVB đã bị các cơ quan chức năng tịch biên.

Hiện SVB Financial cũng đưa ra nhiều yêu cầu nhằm tiếp tục hoạt động suôn sẻ trong thời gian phá sản, như xin phép duy trì các tài khoản ngân hàng hiện hành và tiếp tục thanh toán cho các dịch vụ mà SVB cung cấp.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục