“Siết nguồn vốn vào bất động sản là con dao hai lưỡi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So cho rằng, siết chặt nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vào bất động sản chính là con dao hai lưỡi, có thể làm thị trường tăng trưởng “nóng” cùng với nhiều bất ổn trong huy động TPDN lĩnh vực này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh)

Bước sang ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV, sáng 25/5, thảo luận tại tổ để đánh giá Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần phải xem xét, đánh giá lại hiệu quả của chính sách điều hành tiền tệ mà Chính phủ đã ban hành thời gian qua.

"Những chính sách đã ban hành có thực sự giải quyết được vấn đề nợ xấu và những rủi ro thị trường khác hay không?", vị Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề.

Đơn cử như bất động sản, theo ông So, đây là lĩnh vực luôn phải sử dụng đòn bẩy tài chính như một công cụ hữu hiệu để triển khai các dự án. Thời gian qua, trước sự tăng trưởng nóng của bất động sản cũng như một số sai phạm về huy động trái phiếu trong lĩnh vực này, Chính phủ đã có tác động mạnh mẽ bằng cách kiểm soát nguồn tín dụng và TPDN "đổ vào" bất động sản.

"Việc điều tiết thị trường là cần thiết song nếu siết quá chặt có thể để lại những hệ luỵ", ông So lưu ý.

Cụ thể, nếu siết chặt tín dụng thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án, dẫn đến các dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản trên thị trường, khiến thị trường bị đóng băng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.

Về phía người tiêu dùng cuối cùng, siết chặt tín dụng bất động sản sẽ làm khan cung, đẩy giá nhà đất lên cao khiến người có thu nhập thấp, công nhân lao động khó tiếp cận cơ hội nhà ở.

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh nhắc lại kinh nghiệm của Trung Quốc, cho rằng quốc gia này hiện đã "ngấm đòn" bởi chính sách siết chặt tín dụng với bất động sản nên cũng đang thực hiện việc nới lỏng lại.

Vị đại biểu này cho rằng, Chính phủ cần soát lại để có chính sách hợp lý, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển, đồng thời nắn dòng vốn, giúp lành mạnh hoá thị trường và hạn chế rủi ro trong tương lai.

"Cần phải nhìn nhận và đánh giá lại chính sách theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không phải coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý. Việc cải cách thể chế không phải chỉ là tháo gỡ rào cản do chính chúng ta đặt ra trước đó mà cần phải chủ động xây dựng thể chế mới để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế trong giai đoạn phục hồi", ông So khuyến nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề lành mạnh hóa thị trường bất động sản, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định: "Vừa rồi có tình trạng đầu cơ vào bất động sản, làm méo mó tính chất thị trường trong lĩnh vực này, cụ thể là đẩy giá ảo lên cao, dẫn đến nhiều hệ lụy, do đó việc Nhà nước phải siết lại là đúng".

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh: M.M)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh: M.M)

Tuy nhiên, ông Vân lưu ý, biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý cần tránh hai khuynh hướng. Thứ nhất là siết quá chặt và siết tất cả mọi đối tượng; thứ hai là sau khi thị trường bị siết chặt rồi thì lại bắt đầu nới lỏng ra thoải mái.

"Phải kết hợp hài hoà, siết là siết những đối tượng chuyên đi "bơm", "thổi", đầu cơ bất động sản như vụ việc Tân Hoàng Minh vừa rồi; còn những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đúng pháp luật thì phải khuyến khích để cho họ được phát triển bình thường. Không vì kiểm soát bất động sản mà siết chặt tất cả một cách máy móc. Chính sách tín dụng và tài khoá phải nhịp nhàng ở chỗ siết chặt chỗ này nhưng nới lỏng chỗ kia.

Phanh gấp cho tất cả các đối tượng là không nên, vì thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng để huy động vốn, cùng với vốn ngân sách để phát triển kinh tế xã hội. Nếu không điều tiết các thị trường một cách hợp lý thì sẽ gây sốc cho kinh tế vĩ mô", vị Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau khuyến nghị.

Phát biểu tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế" chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp, đồng thời khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động chân chính, lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục