Khi các “ông lớn” bất động sản kêu cứu - Bài 2: Tê liệt vì chờ rà soát pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh “kêu trời” vì chưa thực hiện được nghĩa vụ tài chính lần đầu do đang rà soát pháp lý.
Dự án Melody Residences của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh đã hoàn thành và bàn giao từ năm 2017, nhưng vẫn đang “rà soát pháp lý” Dự án Melody Residences của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh đã hoàn thành và bàn giao từ năm 2017, nhưng vẫn đang “rà soát pháp lý”

Có những dự án của Công ty, dân đã vào ở từ nhiều năm trước, chủ đầu tư chủ động ứng nộp trước toàn bộ số tiền theo mức cao nhất, nhưng tới giờ này vẫn thực hiện được nghĩa vụ tài chính lần đầu do đang rà soát pháp lý.

Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng khốn khổ không kém do chờ rà soát pháp lý, đến mức phải đề nghị cấp trước sổ đỏ cho dân để giảm bớt áp lực khiếu kiện gây mất hình ảnh thương hiệu.

Dự án “vàng”... đứng hình

Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh (gọi tắt là Hung Thinh Corp. - trụ sở phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM), với hơn 100 đơn vị thành viên, 5 văn phòng đại diện, hệ thống 12 sàn giao dịch quy mô và gần 100 dự án đa dạng loại hình trên khắp cả nước. Vậy mà doanh nghiệp này cũng phải “kêu trời” khi có nhiều dự án bị “đứng hình” bởi chờ rà soát pháp lý của cơ quan chức năng.

6 dự án bị “đứng hình” do rà soát pháp lý gồm:

1: Lavita Garden của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh

2: Melody Residences của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh

3: Sky Center của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh

4: Richmond City của Công ty Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu

5: Dự án Khu đất tại đường Nam Hòa, Phường Phước Long A, TP. Thủ Đức của Công ty cổ phần Len Việt Nam

6: Dự án Khu phức hợp chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng thương mại dịch vụ tại quận Tân Phú của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC.

Cụ thể, Dự án Chung cư cao tầng (Dự án Lavita Garden) tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức (TP.HCM), với diện tích hơn 15.300 m2, Dự án đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 1/500; Phê duyệt Dự án đầu tư theo Nghị định 90/2006/NĐ-CP; đã có quyết định giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất.

Năm 2017, Hung Thinh Corp. nhận chuyển nhượng dự án từ Công ty Tín Nghĩa để kế thừa toàn bộ quyền nghĩa vụ liên quan. Đến năm 2018, Dự án đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Đáng nói là, doanh nghiệp đã nhiều lần trình duyệt giá đất, nhưng chưa được phê duyệt. Thậm chí, Công ty đã chủ động ứng nộp trước toàn bộ số tiền theo mức cao nhất do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thành việc xác định nghĩa vụ tài chính lần đầu, do cơ quan chức năng đang rà soát pháp lý về chuyển nhượng dự án.

Theo bức xúc của Hung Thinh Corp., mặc dù Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP.HCM cho tiếp tục thực hiện hoàn thiện pháp lý - tức không rà soát pháp lý, nhưng UBND TP.HCM lại giao lại cho Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường… tiếp tục rà soát.

Chưa hết, Hung Thinh Corp. cho hay, Dự án Melody Residences (số 16 - Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) cũng liêu xiêu.

Dự án này có diện tích hơn 10.700 m2 do Công ty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để kế thừa thực hiện dự án. Dự án được cấp giấy phép quy hoạch và có Giấy phép xây dựng (điều chỉnh) năm 2015, đã nghiệm thu bàn giao cho khách hàng năm 2017. Công ty đang thực hiện thủ tục thẩm định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch và ưu tiên cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng, nhưng do đang rà soát lại pháp lý và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo để trình báo Thủ tướng nên chưa được xử lý.

Dự án thứ 3 của doanh nghiệp này cũng dính “rà soát pháp lý” là Sky Center (số 10 - Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM).

Dự án có diện tích gần 12.000 m2 do Hung Thinh Corp. nhận chuyển nhượng lại từ Công ty Waseco đã được Thành phố chấp thuận từ năm 2015. Dự án được phê duyệt dự án đầu tư theo Nghị định 90/2006/NĐ-CP (được miễn cấp Giấy phép xây dựng). Dự án đã được cấp 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất xây dựng văn phòng 50 năm, đất chung cư ổn định lâu dài) và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 2018.

Cũng bởi cơ quan chức năng đang rà soát lại pháp lý mua bán chuyển nhượng, nên Dự án đã “đứng hình” các thủ tục thẩm định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch và cấp giấy chứng nhận cho khách hàng.

Xin cả “quyền trợ giúp” từ Tổ công tác của Thủ tướng

“Kính đề nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét báo cáo UBND Thành phố cấp lại Giấy chứng nhận cho Công ty để có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tháo gỡ chủ trương đầu tư cho Công ty, vì Công ty được xem là đã có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Trong trường hợp vẫn còn vướng mắc, thì đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện Dự án”, Công ty cổ phần Len Việt Nam bức xúc như vậy đối với ách tắc tại Dự án Khu đất tại đường Nam Hòa, Phường Phước Long A, TP. Thủ Đức.

Trong trường hợp vẫn còn vướng mắc, đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh do Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách để xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện Dự án.

Công ty BMC và Công ty cổ phần Len Việt Nam đồng kiến nghị

Dự án có diện tích hơn 15.447 m2, đã được UBND TP.HCM duyệt giá để mua theo chỉ định thực hiện dự án xây dựng chung cư cao tầng từ năm 2010. Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (mục đích đất ở). Đồng thời khu đất đã có quy hoạch phù hợp để lập dự án nhà ở chung cư cao tầng.

Vậy nhưng, tới năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lại có thông báo thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, khiến khu đất vẫn bị treo không thể triển khai thực hiện dự án.

Từ đầu năm 2020, Công ty cổ phần Len Việt Nam đã khẩn thiết kiến nghị cấp lại sổ đỏ để làm cơ sở triển khai các thủ tục pháp lý đầu tư cho Dự án, nhưng tới giờ, các bên vẫn im hơi lặng tiếng bởi vẫn đang… rà soát pháp lý!

Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (Công ty BMC) cũng chung tiếng kêu trên đối với Dự án Khu phức hợp chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng thương mại dịch vụ (số 787 - Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM).

Dự án có diện tích hơn 32.340 m2, có nguồn gốc đất do nhà nước quản lý được Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM đồng ý sắp xếp, xử lý theo phương án cho chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án từ năm 2009. Tới năm 2017, Dự án được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư.

Đáng nói là, dự án này đã được UBND TP.HCM phê duyệt giá đất, nhưng theo BMC thì sau đó, Công ty không nhận được hướng dẫn, thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính từ các cơ quan có thẩm quyền dẫn đến họ không có cơ sở nộp và quyết định này hết hiệu lực. Trong quá trình triển khai, do trong quá trình bị rà soát về pháp lý và xử lý chuyển tiếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP nên phải tạm dừng. Bế tắc vì thế vẫn tiếp diễn.

BCM cho hay, họ đã kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 và sau đó quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường theo phương án xử lý, sắp xếp được các bộ, ngành thống nhất.

“Trong trường hợp vẫn còn vướng mắc, Công ty BMC đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh do Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách để xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện Dự án”, doanh nghiệp này bức xúc.

Doanh nghiệp liêu xiêu, cư dân khốn khổ

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), có tới 6/38 dự án mới bổ sung đang mỏi mòn chờ cơ quan chức năng rà soát pháp lý. Rất nhiều dự án dù đã được bàn giao cho dân vào ở nhiều năm, nhưng không thể làm sổ đỏ cho người dân bởi tình trạng này.

Vì không có sổ, nên người dân dù bỏ hàng tỷ đồng ra mua ở, mà nhà không có số, không nhập được hộ khẩu, một số chủ căn hộ muốn làm thủ tục vay vốn ngân hàng cũng không được bởi vì không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nên không thể xác minh tài sản để thế chấp.

Còn doanh nghiệp, không chỉ “chôn tiền” (hoặc do chưa triển khai được dự án, hoặc chưa thể mở bán...), mà còn mất cơ hội trong bối cảnh giá cả bất động sản tăng do nhu cầu cao. Đó là chưa nói, chủ đầu tư còn phải gánh chịu áp lực khiếu nại đòi sổ của người mua nhà/căn hộ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu.

Điều này đã từng xảy ra ở Đất Xanh Group ở Dự án Opal Riverside (TP. Thủ Đức). Do cơ quan chức năng chưa xác định được giá trị bồi thường đất rạch, giao thông xen cài do Nhà nước quản lý dẫn tới dự án đã nghiệm thu, bàn giao cho dân ở từ năm 2017, nhưng vẫn không được cấp sổ.

Bức xúc, hơn 600 hộ dân đã khiếu kiện yêu cầu Tập đoàn phải bồi thường vì chậm cấp sổ hồng từ 10.000 đồng/m2/tháng kể từ tháng 7/2020 đến khi cấp sổ; bồi thường 0,05%/ngày và trên 5% số tiền còn lại cho đến khi cấp sổ; nhóm đề nghị bồi thường 0,5%/ngày trên 95% số tiền đã đóng.

Thế nên, hầu hết doanh nghiệp đều kiến nghị cơ quan chức năng TP.HCM có thể cấp trước sổ đỏ/hồng cho người dân tương ứng với tiền đất đã nộp. Còn các phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì cấp sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục