Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, OCB đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thành lập CTTC, dự kiến đầu năm 2015 sẽ có CTTC trực thuộc. Tuy nhiên, ông Tùng từ chối tiết lộ vốn điều lệ của công ty này.
Theo ông Tùng, chiến lược của OCB trong thời gian tới là đẩy mạnh phân khúc bán lẻ, trọng tâm là DN vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân có thu nhập khá. Ngoài ra, OCB cũng chú trọng đến cấu trúc khách hàng ở độ tuổi 25 - 45 tuổi. Đây sẽ là đối tượng khách hàng chiếm phần lớn trên thị trường và là khách hàng mục tiêu của nhiều ngân hàng, nên chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh gay gắt.
Không chỉ OCB, một số ngân hàng khác như Nam A Bank, Sacombank, Techcombank, VIB, SHB, Maritime Bank… cũng đang gấp rút hoàn tất thủ tục để mua lại hoặc thành lập mới một CTTC trực thuộc.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, kế hoạch thành lập CTTC đã được Ngân hàng hoạch định, dự kiến sẽ sớm được triển khai trong năm sau để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Theo ông Tâm, đây là loại hình tín dụng cá nhân còn rất nhiều tiềm năng.
Trên thực tế, các NHTM vẫn đang cho vay tiêu dùng, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia tiền tệ, có thể cách thức và mô hình đang được các ngân hàng triển khai là không phù hợp. Do đó, dù mua lại CTTC hay tự triển khai cho vay tiêu dùng, các ngân hàng cũng phải đánh giá lại cách thức và mô hình để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
“Các ngân hàng nên dừng mô hình cho vay tiêu dùng hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao một số ngân hàng đã mua lại CTTC nước ngoài, bởi những công ty này đã có sự đầu tư và xây dựng hệ thống rất kỹ, nên khi mua lại, ngân hàng sẽ tận dụng được hệ thống vốn có của CTTC mà không mất công xây dựng từ đầu”, vị chuyên gia trên nói.
Theo Dự thảo lần một Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến, CTTC được thực hiện hoạt động tín dụng tiêu dùng dưới các hình thức: cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng; phát hành thẻ mua hàng. Đây cũng là điểm mới theo hướng mở rộng hơn cho các CTTC, nhất là việc cho vay thấu chi qua thẻ. Đáng chú ý, NHTM có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn theo các hình thức trên phải thành lập CTTC.
Một quy định quan trọng, có tác động quyết định đến hệ thống CTTC Việt Nam dự kiến sẽ sớm được NHNN ban hành trong thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài HDBank mua lại SGVF và chuyển đổi thành HDFinance; VPBank mua lại CTTC Vinacomin, với thương hiệu hiện hành là FE Credit, NHNN cho biết đã chấp thuận về chủ trương việc Maritime Bank mua lại CTTC Cổ phần Dệt may, đồng thời đã đồng ý đề nghị CTTC Cổ phần Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và đề nghị của Techcombank mua lại CTTC Hóa Chất. Hiện tại, Techcombank và Maritime Bank đang ráo riết hoàn tất thủ tục mua lại CTTC và chuyển đổi hoạt động cho công ty này, nhằm tấn công mạnh hơn vào phân khúc tín dụng cá nhân vay vốn tiêu dùng.
Quyền Tổng giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose cho biết, thời điểm nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn như hiện nay, ngành tài chính tiêu dùng vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ và có tỷ lệ tăng trưởng đều mỗi năm. Vì thế, theo ông Kalidas, khi tình hình kinh tế tốt hơn, tỷ lệ tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ gia tăng hơn nữa. Thực tế, FE Credit luôn là khối có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của VPBank trong những năm gần đây, nhờ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cao. Đây cũng là lý do VPBank mạnh tay tuyển dụng nhân sự. Tính đến 30/9, VPBank có 8.760 nhân sự, tăng 1.340 người so với cuối quý II/2014.
”FE Credit mỗi tháng thu hút trên 70.000 khách hàng, kỳ vọng đến cuối năm 2014 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 140 - 150% so cùng kỳ năm ngoái”, ông Kalidas Ghose nói.
Điều này cũng được chứng minh qua kết quả kinh doanh của một số CTTC khác, chẳng hạn Home Credit đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013; hay sau một thời gian chuyển đổi thành CTTC trực thuộc, HDFinance đóng góp gần 80 tỷ đồng lợi nhuận cho HDBank trong năm qua.