Cho vay tiêu dùng, xem ngân hàng ngoại “tấn công”

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, các ngân hàng ngoại đua nhau mời chào khách vay tiêu dùng, trong khi ngân hàng trong nước siết chặt khoản tín dụng này.
Cho vay tiêu dùng, xem ngân hàng ngoại “tấn công”

Ngân hàng ngoại chạy đua mời vay vốn

Ngay ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc một công ty thực phẩm tại Hà Nội đã nhận được điện thoại mời chào vay vốn tiêu dùng của các ngân hàng ANZ, HSBC và một công ty tài chính nước ngoài khác.

“Vừa nghỉ Tết xong, tôi đã bị các ngân hàng nước ngoài liên tục “dội bom” điện thoại mời vay vốn tiêu dùng. Tuy nhiên, mức lãi suất mà họ đưa ra vẫn rất cao”, ông Hòa cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, dường như các ngân hàng nước ngoài đang có những động thái quyết liệt hơn khối ngân hàng trong nước trong phát triển tín dụng tiêu dùng.

Theo các chuyên gia của Công ty Smart Finance, các ngân hàng nước ngoài đang chiếm ưu thế trong cho vay tiêu dùng, do điều kiện vay dễ dàng và thủ tục nhanh chóng. Tại một số ngân hàng như ANZ, HSBC, Standard Chartered…, khách hàng không cần tài sản thế chấp hoặc giấy bảo lãnh, mà vẫn có thể dễ dàng được vay lên tới 500 triệu đồng chỉ trong vòng 1 - 2 ngày.

Đặc biệt, trong khi các ngân hàng trong nước co hẹp mục đích vay vốn (vay mua hoặc sửa nhà, mua ô tô…), thì các ngân hàng ngoại lại đưa ra điều kiện rất mở. Điều kiện vay dễ, thủ tục nhanh gọn, mục đích vay đa dạng…, khiến các ngân hàng nước ngoài ngày càng hút khách vay tại thị trường Việt Nam, dù lãi suất cho vay cao hơn so với khối ngân hàng trong nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một cán bộ tín dụng của ANZ cho biết, nhân viên tín dụng của ANZ được “quán triệt” đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng cá nhân, dù lãi suất cho vay với lĩnh vực này chưa có dấu hiệu giảm.

Hiện lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng tín chấp của ANZ là 20 - 24%/năm tính theo dư nợ giảm dần, tùy thuộc kỳ hạn vay và số tiền vay. Lãi suất cho vay tại một số ngân hàng nước ngoài khác, như HSBC, Standard Chartered, CitiBank… cũng ở mức tương tự.

Ngân hàng nội trước nguy cơ thu hẹp thị phần

Trong khi khối ngân hàng nước ngoài đang dồn dập tấn công khách hàng ngay từ đầu năm, thì nhiều ngân hàng trong nước lại tỏ ra e dè với sản phẩm này.

Giám đốc một chi nhánh của Ngân hàng VIB cho hay, ngân hàng này đang chủ trương co hẹp cho vay tiêu dùng, nhất là cho vay tín chấp. “Đúng là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn như hiện nay, dư địa cho vay tiêu dùng là khả quan nhất, song không phải ngân hàng nào cũng có thể làm được việc này. Phát triển tín dụng tiêu dùng đòi hỏi rất nhiều nhân sự và tỷ lệ rủi ro rất cao. Do đó, VIB đang hạn chế cho vay tiêu dùng tín chấp bằng việc đưa ra nhiều điều kiện chặt chẽ, như phải có mức lương chuyển khoản từ 10 triệu đồng/tháng trở lên, tài khoản trả lương phải mở tại VIB, người vay phải nắm giữ chức vụ quản lý”, vị này nói.

Tại một số ngân hàng khác như BIDV, Eximbank…, cán bộ tín dụng cũng cho biết, ngân hàng chủ trương thận trọng giải ngân tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là cho vay tín chấp.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, sau năm 2015, bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác, dù khối này hiện mới chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ. Hầu hết ngân hàng nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered, HSBC, Shinhan Vina... đều đánh giá rất cao triển vọng thị trường bán lẻ của Việt Nam và không giấu tham vọng tăng thị phần trong lĩnh vực này. Hiện nay, có tới gần 90% khách hàng bán lẻ của nhiều ngân hàng nước ngoài là người Việt Nam.

Kinh nghiệm hoạt động lâu đời trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp cộng với năng lực quản trị rủi ro tốt là lợi thế của ngân hàng nước ngoài khi tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ông Rahn Wood, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB cho rằng, từ năm 2014, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ vững và gia tăng thị phần, các ngân hàng nội cần nâng cao chất lượng dịch vụ và tung ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu dân số trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập ổn định, hoạt động trong các lĩnh vực tiềm năng và phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hoàn chỉnh.

Thùy Liên (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục