Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhấn mạnh cần phải quản lý chặt việc nhập cảnh qua đường bộ, trong đó các trường hợp nhập cảnh hợp pháp vẫn phải tuân thủ cách ly tập trung và ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp.
Trong mọi trường hợp, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ và được cách ly tại các trung tâm cách ly tập trung của quân đội, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ không thu phí.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 15/1 tại Hà Nội.
Ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép
Đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định để ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép bằng đường bộ và nhất là gần đây xuất hiện nguy cơ có thể bằng đường biển, đường thủy, lực lượng chức năng sẽ tăng cường lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an…
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng là chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động để người dân có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước thì động viên họ thực hiện khai báo y tế đầy đủ và chấp hành cách ly.
Để công tác phòng chống dịch được hiệu quả, theo Ban chỉ đạo, trong trường hợp người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo với chính quyền địa phương.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để khi phát hiện trường hợp chở người ở nước ngoài về hay có người đi nhờ thuyền về thì ngay lập tức có biện pháp phòng dịch và thông tin cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương từ ngay trên thuyền.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN). |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm phòng chống dịch cho toàn cộng đồng. Nếu lơ là điều này thì vô hình chung, chúng ta sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và có thể gieo rắc mầm bệnh trong cộng đồng. Tôi đề nghị chúng ta phải siết chặt kiểm soát vấn đề này.”
Thông tin đưa ra tại cuộc họp cho thấy vừa qua, nhiều nước trên thế giới đón Giáng sinh và năm mới, tâm lý chủ quan khi có vắcxin, xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến số ca mắc, đặc biệt số ca tử vong những ngày qua tăng cao.
Tại Việt Nam, đây là thời điểm gần tới Tết Nguyên đán và sự kiện quan trọng của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Vì vậy, từ rất nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ giữ an toàn chống dịch nói chung và đặc biệt trong thời kỳ cao điểm hiện nay.
Ban Chỉ đạo nhận định dù vẫn có lúc, có nơi lơi lỏng nhưng đã được xử lý ngay lập tức và được rút kinh nghiệm để siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 vẫn căng thẳng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng trên thế giới. Riêng 2 tuần đầu của tháng 1/2021, thế giới ghi nhận 9,7 triệu ca mắc mới (chiếm 10.5% tổng số mắc từ đầu vụ dịch) và 174.000 ca tử vong (chiếm 8.8%).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ.
Biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 20 nước và vùng lãnh thổ. Cả hai biến thể này được xác định có khả năng lây nhiễm cao.
Riêng trong ngày 13/1, ba quốc gia Philippines, Sri Lanka và Hungary đều phát hiện các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh.
Tại Đông Nam Á, toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 869.600 trường hợp mắc (25.246 trường hợp tử vong).
Tiếp theo là Philippines với tổng số 494.605 ca nhiễm (9.739 trường hợp tử vong); đã ra thông báo cấm nhập cảnh lên tới 33 quốc gia. Malaysia đã vượt qua Myanmar về số ca nhiễm COVID-19, trở thành vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 563 ca tử vong và 144.518 ca mắc...
Ngày 15/1 là ngày thứ 45 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, tuy vậy, hằng ngày vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh và được cách ly ngay lập tức.
Với các chuyến bay từ nước ngoài về, Ban Chỉ đạo nêu rõ từ trước đến nay các đơn vị có liên quan mới bàn để xây dựng lộ trình nối lại các chuyến bay thương mại, nhưng trong thực tế, chưa tổ chức các chuyến bay thương mại đón khách như bình thường.
Thời gian qua, mới chỉ có những chuyến bay giải cứu, đưa người Việt Nam và kết hợp chuyên gia nước ngoài vào. Tất cả các trường hợp này đều phải cách ly và hầu như không tạo ra những ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng trước sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chủ trương chung là hạn chế tối đa.
Với các chuyến bay giải cứu, công dân, chuyên gia vào Việt Nam phải được cách ly và đặc biệt là quản lý sau thời gian cách ly nghiêm ngặt, với tinh thần cảnh giác cao nhất khi chưa có những nghiên cứu và kết luận cụ thể về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Một số chuyến bay từ các vùng đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung.
Những trường hợp trước đây quy định có thể cách ly dưới 14 ngày thì hiện nay phải cách ly tối thiểu 14 ngày.
Các lực lượng y tế và quân đội sẽ xem xét cụ thể những trường hợp người ở nước ngoài về và có thể quyết định cách ly trên 14 ngày. Thực tế vừa qua, đã có những trường hợp sau 14 ngày cách ly vẫn xác định ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Bản tin 18 giờ ngày 15/1 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, hôm nay Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19 là người nhập cảnh được cách ly ngay ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 1.536 bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch như chiến dịch 5K của Bộ Y tế và việc thực hiện các biện pháp phòng dịch để đưa lên bản đồ an toàn phòng dịch, với các địa điểm là cơ sở y tế, trường học, phương tiện giao thông, chợ…
Theo đó, mọi cơ sở kinh doanh, mọi thành phần trong xã hội được phổ biến các biện pháp phòng dịch. Bởi thực tế, dù đã có vắcxin phòng bệnh nhưng sẽ phải nhiều tháng nữa người dân mới có thể tiếp cận rộng rãi.
Do vậy, biện pháp phòng dịch tốt nhất hiện nay là tiếp tục các biện pháp mà Việt Nam đã và đang làm.