Theo quy định mới, nếu doanh nghiệp (DN) cần đất để đầu tư dự án vì mục đích kinh tế, thì dứt khoát phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất theo giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự. Nhà nước, mà cụ thể là chính quyền các địa phương dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Quy định này sẽ đặt DN vào tình huống phải lựa chọn làm hoặc không làm, khi cân nhắc mức giá đất phải đền bù cho người dân.
“Nếu DN chưa thỏa thuận được về giá đền bù cho 100% người dân có đất bị thu hồi, mà đã tiến hành đầu tư trên diện tích đất đã thu hồi được, thì phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không thể tồn tại cơ chế “tiền trảm hậu tấu” theo kiểu cứ đầu tư rồi đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ để thu hồi nốt diện tích còn lại cho dự án”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Ông Đào Chính Trung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận xét, với những quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi), chắc chắn tới đây, việc thu hồi đất sẽ được siết chặt qua xem xét năng lực của chủ đầu tư. Luật Đất đai (sửa đổi) còn quy định về điều kiện chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, phải chứng minh năng lực qua kiểm toán và phải ký quỹ, nếu không thực hiện thì thu tiền ký quỹ.
“Ngoài ra, chủ đầu tư còn bị xem xét cả “tiểu sử”. Nếu trước đó, chủ đầu tư đã có những dự án được giao, nhưng để đất bỏ hoang, hoặc đang còn dự án bỏ hoang sẽ không được giao đất cho làm tiếp”, ông Trung cho biết.
Giới DN kinh doanh bất động sản tỏ ra khá dè dặt với quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển kinh tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng, trong thời gian tới, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) kiểm soát chặt việc giao đất, sử dụng đất sẽ gây nhiều tác động lớn tới thị trường bất động sản. Việc giải phóng mặt bằng sẽ khó hơn, cơ chế đền bù thay đổi theo hướng người dân sẽ được đền bù giá cao hơn so với thời gian trước. Điều này sẽ khiến cho các chi phí về đất sẽ đội lên.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Toàn Cầu cho biết, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khiến chủ đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Thay vì áp dụng bảng giá đất theo quy định của các địa phương như trước đây, DN sẽ phải thoả thuận với từng người dân theo mức giá thị trường. Việc thuyết phục hàng trăm người dân đồng ý với mức giá đền bù sẽ phức tạp và khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm nhiều năm.
Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý rằng, quy định này cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực, nếu chủ đầu tư tôn trọng vai trò của người dân trong việc đầu tư dự án; thậm chí đưa tài sản đất đai của người dân vào làm tài sản của DN với vai trò của những cổ đông. Trong bối cảnhbất động sản trầm lắng, giá đất thị trường xuống thấp như hiện nay, quy định này có thể lại là hướng đi dễ dàng cho DN, khi việc giải phóng mặt bằng không còn phải thực hiện qua “cửa” chính quyền địa phương.
>> Sửa Luật đất đai: quan ngại lợi dụng thu hồi đất