Viwase được NĐT quan tâm vì khi cổ phần hóa năm 2006, Công ty không phải tính giá trị lợi thế đất vào giá trị doanh nghiệp.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4/2015, HĐQT Viwase đã xin ý kiến về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 21 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Theo tờ trình, mục đích tăng vốn là để bổ sung vốn lưu động, góp vốn với CTCP Đầu tư phát triển An Việt (An Việt) thực hiện Dự án nâng công suất nhà máy nước Từ Sơn (Bắc Ninh), sửa chữa văn phòng, mua sắm trang thiết bị.
Đáng chú ý, phương án tăng vốn có đề cập đến việc xử lý quyền mua của cổ đông Nhà nước: nếu cổ đông Nhà nước không thực hiện quyền mua, Viwase xin phép được mua lại để phân phối cho người người lao động theo giá thực tế. Đề xuất này đã bị một số cổ đông phản đối bởi theo quy định, nếu cổ đông Nhà nước không thực hiện quyền mua thì phải tiến hành định giá và bán đấu giá công khai. Ngoài ra, phương án tăng vốn bị cổ đông đánh giá là sơ sài, cần xem xét kỹ.
Viwase có hoạt động chính là tư vấn, khảo sát, thiết kế, quản lý các dự án công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Vốn điều lệ không lớn, nhưng Công ty có lợi thế lớn về đất đai. Đó là khu đất có diện tích 650 m2 mặt tiền phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều khu đất lớn khác nằm tại vị trí đắc địa ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh… Khi cổ phần hóa năm 2006, theo quy định cũ, Viwase không phải tính giá trị lợi thế đất vào giá trị doanh nghiệp nên vốn điều lệ của Công ty chỉ có 21 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 51%.
Vì thế, phương án phát hành nêu trên khiến cổ đông không khỏi nghi vấn về chiêu thức lách luật để giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước ở Viwase, phục vụ cho mưu đồ thâu tóm Công ty; nhất là khi Viwase cấm cổ đông không được ghi âm và cung cấp tài liệu, thông tin về Đại hội cho người ngoài! Cuối cùng, phương án tăng vốn đã được gác lại, chưa biểu quyết tại ĐHCĐ thường niên.
Tại ĐHCĐ bất thường, phương án tăng vốn một lần nữa được trình với nội dung: phát hành thêm 900.000 cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/CP, cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:0,42, mục đích sử dụng vốn là mua cổ phần phát hành thêm của An Việt, bổ sung vốn lưu động… Nội dung phân phối quyền mua của cổ đông Nhà nước đã được rút lại.
Ông Nguyễn Như Hà, Chủ tịch HĐQT Viwase, đồng thời là một trong những đại diện vốn Nhà nước tại Công ty cho biết, đề xuất nói trên chỉ là đề xuất của Viwase với Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, đơn vị đang quản lý vốn Nhà nước tại Viwase. Sau khi nhận được đề xuất này, Tổng công ty đã xin ý kiến Bộ Xây dựng, kết quả là Bộ đã “bác” ý tưởng này. Trường hợp cổ đông Nhà nước không thực hiện quyền mua thì phải định giá và bán đấu giá.
Về phương án tăng vốn, nhiều cổ đông nhỏ cho rằng, quan trọng nhất là hiệu quả sử dụng vốn. Việc tăng vốn chủ yếu để đầu tư thêm vào An Việt cần xem xét lại bởi những năm qua, lợi tức từ việc đầu tư này không hiệu quả, cổ tức có năm chỉ đạt 2%. Tuy nhiên, vì cổ đông bên ngoài sở hữu tỷ lệ thấp nên phương án tăng vốn vẫn được thông qua.