Săn đất vàng qua cổ phần hóa

(ĐTCK) Tuần này, phiên đấu giá 33,8 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC được quan tâm không bởi quy mô vốn hơn 800 tỷ đồng của doanh nghiệp, mà ở quyền sử dụng những khu đất vàng tại Thủ đô.
Phiên đấu giá cổ phần của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của NĐT Phiên đấu giá cổ phần của Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của NĐT

Theo công bố của Sở GDCK Hà Nội, lượng nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của Thăng Long GTC gấp 3 lần lượng cổ phần chào bán. Đây là điều dễ hiểu, bởi với mức giá khởi điểm là 10.600 đồng/cổ phần, cổ phiếu của Thăng Long GTC được dự đoán sẽ được trả giá cao gấp vài lần mệnh giá, thậm chí có thể tới cả chục lần.

Là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, có bề dày hoạt động gần 20 năm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu, vận tải lữ hành, khách sạn và cho thuê bất động sản, lợi thế của Thăng Long GTC chính là sở hữu nhiều tài sản có giá trị, chẳng hạn 25% khách sạn 5 sao InterContinental West Lake Hà Nội; 30% khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera; 100% khách sạn 4 sao Mecure La Gare Hà Nội; 100% khách sạn 3 sao Eastin Easy - 27 Quốc Tử Giám, Hà Nội; 30% khu căn hộ cao cấp 4 sao Pan Horizon - 157 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội; 35% chuỗi 5 siêu thị Big C tại Hà Nội (bao gồm Big C Trần Duy Hưng, Big C The Garden, Big C Mê Linh, Big C Long Biên, Big C Hồ Gươm); 75.000 m2 đất tại góc phố Trần Duy Hưng và đường vành đai 3 (được miễn tiền thuê đất 18 - 26 năm); 12.066 m2 đất tại 15 - 17 Ngọc Khánh; cùng nhiều tài sản giá trị khác.

Trong số các dự án trên, quyền sử dụng 40.000 m2 trong phần diện tích 75.000 m2 tại góc phố Trần Duy Hưng được giới đầu tư rất quan tâm. Khu đất này đang được Thăng Long GTC sử dụng để góp vốn vào Công ty TNHH Thăng Long Property với vốn điều lệ 15 triệu USD, trong đó Thăng Long GTC nắm giữ 35% (góp bằng giá trị quyền sử dụng đất), 65% còn lại thuộc về Công ty Vindemia Property Limited (thuộc VinaCapital). Liên doanh là chủ đầu tư dự án Time Square, khu phức hợp bao gồm cụm tháp văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao, trung tâm bán lẻ cao cấp. Hiện công ty này đang xin chuyển đổi quy hoạch khu phức hợp, trong đó có dự án căn hộ cao cấp.

Các tài sản của Thăng Long GTC đều là những tài sản có giá trị cao, vị trí thuận tiện, các vấn đề pháp lý rõ ràng, không bị tranh chấp, nên có thể dễ dàng chuyển nhượng, đem góp vốn hay sử dụng cho các mục đích khác.

Trước đó, phiên đấu giá và tiến trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp có quỹ đất đẹp cũng rất hút hàng. Chẳng hạn trường hợp của Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp này có lợi nhuận song đó không phải con số quá hấp dẫn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 3 năm gần nhất đạt lần lượt là 61; 53 và 79 tỷ đồng. Lợi thế của Cảng Sài Gòn mà giới phân tích đánh giá cao là doanh nghiệp đang quản lý khai thác các cảng quan trọng tại TP. HCM và Bà Rịa Vũng Tàu, với quỹ đất rất lớn.

Cụ thể, tổng diện tích đất mà doanh nghiệp đang sử dụng là 1.833.217 m2, trong đó diện tích đất thuê là 557.939 m2, diện tích đất giao là 1.274.764 m2, trong khi giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp chỉ là 246,5 tỷ đồng. Đất đai mà Cảng Sài Gòn đang quản lý chủ yếu thuộc quận 4, quận 7, quận 1 và quận 9, TP. HCM. Trong đó, điểm nhấn chính là dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ cao cấp, khách sạn…

Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có diện tích 29,37 héc-ta. Với chiều dài bờ sông 1.800 m, dân số dự kiến 11.650 người, quy mô 3.000 căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học… Dự án có tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng. Đây thực sự là khu đất trong mơ với bất cứ nhà đầu tư bất động sản nào.

Trước khi Cảng Sài Gòn cổ phần hóa, Công ty TNHH Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông đã giành quyền là nhà đầu tư phát triển dự án chuyển đổi này. Tại Ngọc Viễn Đông, năm 2014, Cảng Sài Gòn mới góp vốn vào doanh nghiệp bằng giá trị còn lại của các cầu cảng từ K6 đến K10 và giá trị lợi thế kinh doanh. Tổng giá trị vốn góp của Công ty là 300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 26%. Hiện Ngọc Viễn Đông đang lập quy hoạch chi tiết và lập báo cáo đầu tư theo phương án điều chỉnh tăng quy mô dân số đã được UBND TP. HCM chấp thuận. Đến cuối tháng 6/2016, khu đất này sẽ được bàn giao cho Ngọc Viễn Đông.

Đấu giá cổ phần chỉ là một bước để hoàn tất thủ tục cổ phần hóa, còn để đặt chân vào những doanh nghiệp có quỹ đất vàng, không chờ đến khi doanh nghiệp có phương án cổ phần hóa, mà từ trước đó rất lâu, các “thợ săn” đã được giới thiệu, tìm hiểu, lên kế hoạch đầu tư. Theo lời chủ tịch một tập đoàn tư nhân lớn, đây thực sự là cuộc chơi của các đại gia có tiềm lực và trường vốn.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục