Sẽ chuyển dần từ quan hệ “vay gửi” sang “mua bán” ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chính sách hạn chế tín dụng ngoại tệ, mà chuyển dần sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Đến 31/3 dừng cho vay ngắn hạn và đến 30/9 dừng cho vay trung dài hạn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa.
Sẽ chuyển dần từ quan hệ “vay gửi” sang “mua bán” ngoại tệ

Chuyển từ quan hệ “vay gửi” sang “mua bán” ngoại tệ

Thông tin từ bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt thặt việc cho vay ngoại tệ.

Cụ thể, đến ngày 31/3 sẽ dừng nhu cầu vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu phục vụ sản xuất - kinh doanh cho nhu cầu trong nước, và đến ngày 30/9 sẽ dừng nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu trung và dài hạn.

“Chúng tôi sẽ thu hẹp dần, chuyển từ quan hệ tiền gửi và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ”, bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Cũng theo bà Hồng thì quý I năm nay, tuy kinh tế thế giới giảm tốc, các yếu tố bất định vẫn còn nhưng thị trường tài chính thế giới khá ổn định, một số ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn quyết định không tăng lãi suất đồng USD. Do vậy, cũng không gây áp lực đến chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt theo diễn biến thị trường.

Đã xử lý được 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Cùng với điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, các giải pháp xử lý nợ xấu đã được triển khai đồng bộ cũng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu nội vảng được duy trì dưới 2%.

Trong khi đó, về kết quả xử lý nợ xấu được được xác định theo Nghị quyết 42, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó, chỉ riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tới đây, sẽ tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục