Cũng tại thời điểm cuối tháng 4/2018, tín dụng bằng VND ước tăng 4,1%, chiếm 91,9% tổng tín dụng, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,3%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 tăng 7,9%).
Kết thúc quý I/2018, Vietcombank có lượng tiền huy động tăng trưởng dương, với mức tăng 0,5% so với đầu năm, đạt 134.900 tỷ đồng, tương đương 18,5% tổng vốn huy động. Tuy nhiên, cho vay VND chỉ tăng 5,3% so với đầu năm, chiếm 83,2% tổng dư nợ cho vay; trong khi cho vay USD và các ngoại tệ khác tăng tới 11,5% so với đầu năm, chiếm 16,8% tổng dư nợ cho vay.
Ngoài Vietcombank, việc tín dụng ngoại tệ tăng trong quý đầu năm 2018 cũng diễn ra ở nhiều ngân hàng khác. Chẳng hạn, tại LienVietPostBank, lượng tiền gửi bằng USD giảm 14,01%, nhưng cho vay tăng tới 17,08% so với đầu năm, đạt 5.900 tỷ đồng. ACB có lượng tiền gửi bằng USD giảm 8,99%, còn cho vay tăng 8,19%, đạt 9.570 tỷ đồng. Tiền gửi bằng USD của BIDV cũng giảm 6,05%, trong khi cho vay bằng USD tăng 4,01%, đạt 96.790 tỷ đồng...
Sở dĩ tín dụng ngoại tệ tăng là do các doanh nghiệp chuộng vay ngoại tệ, khi mà lãi suất vay ngoại tệ hiện thấp hơn đáng kể so với vay tiền đồng. Cụ thể, đối với VND, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, còn trung và dài hạn là 9-11%/năm; trong khi với USD, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 2,8-4,7%/năm, còn trung và dài hạn từ 4,5-6%/năm.
Theo giới chuyên gia, lãi suất vay ngoại tệ thấp tuy giúp doanh nghiệp có được dòng vốn rẻ, nhưng cần thận trọng với xu hướng tăng trưởng mạnh của tín dụng ngoại tệ, đặc biệt khi giá trị USD đang tăng lên sau động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,75-2%/năm mới đây và dự kiến sẽ còn tăng tiếp 2 lần trong năm nay, gây sức ép lên tỷ giá USD/VND.
Fed đang bám sát lộ trình tăng lãi suất đã đặt ra trước đó và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đáng kể trong thời gian qua đã và đang đẩy đồng USD mạnh hơn, nên áp lực từ biến động trên thị trường quốc tế đối với tỷ giá USD/VND là khó tránh. Để hoạt động kinh doanh được ổn định, hiệu quả, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất nhằm tránh những cú sốc khi thị trường có biến động.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc USD mạnh lên sẽ tác động đến các doanh nghiệp đang vay vốn bằng USD, đặc biệt là các doanh nghiệp vay USD với lãi suất thả nổi.
"Khi đó, chi phí vốn sẽ tăng lên, doanh nghiệp có thể sẽ gặp vấn đề về thanh khoản. Vì vậy, doanh nghiệp nên đàm phán thay đổi chính sách lãi suất vay USD từ thả nổi sang cố định. Theo chu kỳ, tỷ giá thường tăng vào cuối năm, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động đề phòng bằng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau (future contract). Nói cách khác, đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá cho doanh nghiệp", ông Minh khuyến nghị.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong trung và dài hạn, một trong những mục tiêu của NHNN là chống tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế. Thời gian gần đây, NHNN đã có những đợt gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế trong ngắn hạn khi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ đang thấp. Tuy nhiên, kỳ hạn vốn vay ngoại tệ chủ yếu là ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom nguyên - phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, nên tính an toàn trong tương quan giữa đồng nội tệ và ngoại tệ vẫn được đảm bảo.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho hay, chủ trương của NHNN trong thời gian tới là sẽ tiếp tục chọn lọc đối tượng vay ngoại tệ, dù vẫn gia hạn cho vay ngoại tệ. Đồng thời, lãi suất huy động USD vẫn giữ mức 0%/năm nhằm chống tình trạng đô-la hóa.