Đậm nét vai trò bán vốn
Kể từ khi thành lập vào năm 2005 đến tháng 6/2015, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 981 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 8.721 tỷ đồng, trong đó có 6 tổng công ty lớn đã cổ phần hóa.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp bàn giao về Tổng công ty phân tán, rải rác; trong đó, các doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng) chiếm khoảng 85%, nhiều doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ vốn; hoạt động không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm; nhiều tồn tại về tài chính nên cổ phần hóa không thành công (không bán được cổ phần) dẫn đến tỷ trọng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này còn lớn.
Trước thực trạng này, SCIC đã phải phân loại doanh nghiệp theo 4 nhóm: nhóm A1 - các doanh nghiệp sẽ được Tổng công ty chủ động giữ lại để đầu tư dài hạn; nhóm A2 - các doanh nghiệp Tổng công ty nắm giữ 100% vốn, có cổ phần, vốn góp chi phối, cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhóm B1 - các doanh nghiệp cần cơ cấu lại để nâng cao giá trị vốn đầu tư trước khi bán hết vốn; nhóm B2 - các doanh nghiệp cần phải triển khai bán hết vốn ngay.
Một lượng lớn doanh nghiệp ở nhóm B1, B2, bởi vậy, trong 10 năm hoạt động, đặc biệt trong những năm gần đây, SCIC đã tập trung mạnh vào công tác bán vốn. Đây là tổng công ty được thực hiện cơ chế bán cổ phiếu trọn lô đầu tiên trên thị trường.
Theo số liệu của Tổng công ty, từ khi thành lập đến nay, số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công là 793 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn nhà nước tại 716 doanh nghiệp, bán bớt vốn nhà nước tại 77 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với doanh thu bán vốn đạt 8.620 tỷ đồng trên giá vốn 3.706 tỷ đồng, thặng dư bán vốn 4.914 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,3 lần.
Như vậy, có thể thấy, SCIC đã khá thành công trong chức năng tái cơ cấu vốn của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong vai trò nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, thị trường chưa thấy đậm nét dấu ấn của SCIC.
Thị trường chờ sự thay đổi
Theo thống kê, trong 10 năm qua, SCIC đã đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, song tỷ trọng rất lớn rơi vào các trường hợp đầu tư hiện hữu tại các doanh nghiệp Tổng công ty tiếp nhận vốn, đơn cử như tham gia mua cổ phần tại các nhà máy điện, tham gia tăng vốn tại một số doanh nghiệp…
Tại cuộc gặp gỡ với giới báo chí gần nhất, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, một số khoản đầu tư đã kết thúc, thu về lợi nhuận rất cao như khoản đầu tư vào Thủy điện Thác Bà lãi 110 tỷ đồng, trái phiếu BIDV lãi 105 tỷ đồng, trái phiếu DIG lãi 154 tỷ đồng, dự án bất động sản hợp tác với REE cho lợi nhuận gần 200 tỷ đồng... Song giới quan sát nhận thấy một điểm nổi bật ở SCIC là tổng công ty này rất thận trọng trong việc quyết định bỏ vốn đầu tư (ngoài các trường hợp được chỉ định đầu tư). Đây có thể là lý do SCIC bỏ qua một số cơ hội tốt để gia tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước.
Gần đây, thị trường quan tâm tới các thương vụ mà SCIC đang nhắm đến, đơn cử đầu tư trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Quân đội, dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Thái Bình theo hình thức BT; dự án tháp truyền hình Việt Nam hay mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực ngân hàng và mua cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa… Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ mới dừng lại ở các bước đầu tiên.
Trước việc cổ phiếu thuộc diện thoái vốn ở một số ngân hàng “ế” tới vài lần không bán được, khi được hỏi tại sao không làm việc với SCIC để bán được số cổ phiếu này, phó tổng giám đốc một tập đoàn lớn cho rằng, đến khi nào Chính phủ chỉ định họ làm việc với SCIC, họ mới thực hiện. Câu chuyện này là một ví dụ cho thấy, dù tiền đã sẵn trong túi, song với những cơ chế như hiện tại cũng không dễ để SCIC xuất tiền tìm cơ hội sinh lời lớn.