SBIC - tiền thân là Vinashin bắt đầu hồi sinh

Một số nhà máy đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bắt đầu làm ăn có lãi, cho thấy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đang đi đúng hướng.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang dần thoát khỏi khó khăn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang dần thoát khỏi khó khăn

Thêm nhiều “Sông Cấm”

Không khí của cuộc họp định kỳ 6 tháng/lần với 4 doanh nghiệp thành viên đóng tại khu vực Hải Phòng của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) - tiền thân là Vinashin, tổ chức mới đây được Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công đánh giá là không còn nặng nề như hồi đầu tái cơ cấu.

Là người được giao trực tiếp chỉ đạo công việc tái cơ cấu SBIC theo hướng "cầm tay chỉ việc", ông Công cho biết là đã nhẹ thêm áp lực khi thông tin tốt ngày một nhiều, nhất là khi có doanh nghiệp trong SBIC đã từng “chết lâm sàng” báo cáo giờ đã “làm không hết việc”, thậm chí đã có công ty lãi cả trăm tỷ đồng.

“Ngôi sao” sáng nhất, làm nòng cốt cho SBIC là Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm. Bất chấp tình hình vận tải biển thế giới đang ngụp lặn dưới đáy nhưng nhờ chọn được dòng sản phẩm độc đáo là các tàu lai dắt, tàu quân sự và dưới sự hỗ trợ của đối tác Damen (Hà Lan), tất cả các dây chuyền đóng tàu của Sông Cấm đang được vận hành hết công suất.

Ông Phạm Mạnh Hà, Tổng giám đốc Sông Cấm cho biết, sản lượng 6 tháng đầu năm dù giảm hơn năm ngoái, nhưng Công ty vẫn đạt khoảng 260 tỷ đồng; thu nhập bình quân của 1.332 lao động đạt khoảng 9 triệu đồng/tháng. Triển vọng cuối năm sẽ khả quan hơn khi nhiều đơn hàng xuất khẩu đang trong giai đoạn chạy nước rút với tổng doanh thu cả năm 2015 đạt khoảng 536 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 53 tỷ đồng. “Mức lợi nhuận giảm so với năm 2014 chủ yếu là do biến động tỷ giá quá mạnh của đồng Euro”, ông Hà giải thích.

Được biết, chỉ riêng nhà máy Damen - Sông Cấm, doanh nghiệp liên danh với Tập đoàn đóng tàu từ Hà Lan, mỗi năm đã xuất khẩu không dưới 20 tàu đi châu Phi, châu Mỹ, châu Âu.

Trong khi đó, tại Công ty Đóng tàu Bạch Đằng, dù doanh thu chỉ đạt khoảng 86% so với dự kiến, nhưng lý do khiến lãnh đạo ngành giao thông lạc quan là bởi mức này tăng gấp 400% so với năm ngoái. Tương tự, tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng, dự kiến con số doanh thu 657 tỷ đồng, bằng 196% năm trước.

“Mục tiêu đặt ra cao rất đáng biểu dương vì điều này cho thấy tinh thần làm việc đang lên, nhưng cần xây dựng kế hoạch khả thi hơn bởi quy định mới không cho phép điều chỉnh kế hoạch như trước”, Thứ trưởng Công lưu ý.

Cần phải nói thêm rằng, “dư âm tích cực” từ đầu tàu Sông Cấm đã lan sang cả Công ty TNHH MTV Nam Triệu – doanh nghiệp được “quy hoạch” là sẽ cho phá sản trong thời gian tới do khoản công nợ quá lớn. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản lượng của nhà máy đóng tàu có quy mô lớn nhất Việt Nam này đạt 337 tỷ đồng, bằng 54,5% cả năm. Mức doanh thu này tuy không đủ cứu Nam Triệu, nhưng dù sao cũng tạo được công ăn việc làm cho người lao động với mức lương 4,8 triệu đồng/tháng, đồng thời giữ cho máy móc không tiếp tục xuống cấp trong khi chờ “hóa kiếp”.

Vẫn còn nỗi lo

Dù vậy, điều khiến lãnh đạo Bộ GTVT lo lắng là hầu hết các đơn hàng của các công ty con thuộc SBIC đều là hợp đồng do Nhà nước ưu tiên như đóng tàu kiểm ngư, tàu cứu hộ. Không còn các tàu biển cỡ lớn hàng chục ngàn DWT, người khổng lồ trong ngành đóng tàu ngày nào giờ phải “cúi lưng nhặt bạc cắc” từ các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép vài trăm tỷ đồng nhưng vẫn rất khó khăn.

Tính đến cuối tháng 6/2015, tổng giá trị sản xuất toàn Tổng công ty ước đạt 2.581 tỷ đồng, bằng 35,8% kế hoạch năm. Nếu không có thêm những đơn hàng mới thì cả năm 2015, SBIC sẽ đóng được 102 tàu, đạt doanh thu khoảng 6.727 tỷ đồng.

Thực tế, do lo ngại không hoàn thành chỉ tiêu cả năm nên sau hai quý, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều đồng loạt kiến nghị Tổng công ty và Bộ “rót” thêm các hợp đồng tiền ngân sách như tàu cứu hộ hàng hải hoặc kiến nghị Chính phủ sớm triển khai loạt tàu kiểm ngư đợt 2.

Thứ trưởng Công khẳng định, Chính phủ, bộ chủ quản luôn cố gắng ưu tiên để hỗ trợ ngành đóng tàu hồi phục nhưng với xu hướng xã hội hóa, thực hiện cơ chế thị trường thì SBIC cũng phải nghĩ tới khả năng cạnh tranh bằng đấu thầu. “Ví dụ nhưdự án tàu cứu hộ, tàu tiếp tế, quan điểm chung là các bộ, ngành đều ưu tiên đấu thầu hạn chế 8 doanh nghiệp chuyển về từ Vinashin, nhưng giữa các đơn vị này cũng phải đấu giá sao cho cạnh tranh, với chi phí hợp lý”, ông Công lưu ý.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC khẳng định, do thị trường vận tải biển đi xuống, trong khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đóng tàu của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp tư nhân nên các thành viên thuộc SBIC đã xác định phải giảm tối đa chi phí, tăng năng suất lao động và giảm giá thành.

Theo ông Sự, nếu không tính nợ cũ thời Vinashin, mà cụ thể là các khoản trái phiếu quốc tế, thì bức tranh tài chính của SBIC đã không còn bị âm.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục