Lỗ giảm mạnh, nhưng còn rất lớn
Trong số các “ông lớn” trực thuộc Bộ GTVT vừa hoàn tất báo cáo tài chính năm 2014, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) được cho là khó khăn nhất, với khoản lỗ lên tới 2.180 tỷ đồng.
Theo đánh giá của SBIC, năm 2014 vẫn là một năm khó khăn đối với ngành đóng tàu. Thị trường vận tải đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng dường như các đơn vị đóng tàu của Tổng công ty vẫn chưa tiếp cận được đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc các tổ chức tín dụng vẫn thắt chặt nguồn vốn cũng góp phần dẫn đến những bất lợi cho các đơn vị đóng tàu, như một số hợp đồng đóng tàu đã ký trước đây bị chủ tàu hủy bỏ, phải giãn tiến độ, trì hoãn thời gian bàn giao.
"Thị trường đóng tàu năm 2014 của Tổng công ty chủ yếu là đóng tàu cho Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan), Bộ Tư lệnh hải quân và tàu cá", ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC cho biết.
Vì vậy, chỉ có doanh thu và giá trị sản xuất là hai chỉ tiêu hiếm hoi mà “anh cả” của ngành đóng tàu Việt Nam cán đích thành công. Cụ thể, về giá trị sản xuất, toàn Tổng công ty đạt 5.700 tỷ đồng - tương đương con số năm 2013, với nguồn thu chủ yếu từ hoạt động chính là đóng mới tàu.
Cụ thể, năm 2014, số tàu được SBIC bàn giao gồm 76 chiếc, đạt doanh thu hơn 200 triệu USD. Ngoài số tàu xuất khẩu đạt 33 chiếc, trị giá gần 34 triệu USD, phần còn lại đóng theo các đơn đặt hàng trong nước với 43 chiếc, chủ yếu theo các chương trình hiện đại hóa đội tàu kiểm ngư và tàu cá vỏ thép của Nhà nước.
Trong khi đó, tổng doanh thu năm qua đã vượt con số trên 7.640 tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch hồi đầu năm. Dẫu vậy, kết thúc năm tài chính 2014, SBIC vẫn còn lỗ hơn 2.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với số lỗ của năm 2013 lên đến 6.400 tỷ đồng, thì kết quả năm 2014 thực sự là bước tiến dài của SBIC.
Cùng chung tình trạng “lỗ được cải thiện” với SBIC là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi số lỗ dự kiến của “ông lớn” này trong lĩnh vực vận tải biển năm 2014 là 1.392 tỷ đồng, bằng 24% số lỗ năm 2013 (5.700 tỷ đồng, mức lỗ kinh hoàng nhất trong suốt lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này). Kết quả kinh doanh của Vinalines cũng không đạt kế hoạch đề ra vào đầu năm, khi tổng doanh thu chỉ đạt 18.086 tỷ đồng, bằng 77% mức thực hiện năm 2013, chủ yếu do doanh thu dịch vụ tạm nhập, tái xuất giảm mạnh.
Điều an ủi và cũng là hy vọng lớn nhất của Vinalines trong năm qua là hoạt động khai thác của đội tàu tại hầu hết các công ty thành viên đã bắt đầu có dòng tiền dương và khối cảng biển tuy có doanh thu tương đương năm 2013, nhưng mức lỗ đã giảm 35%.
Lãi trong quan ngại
Cho đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị có khoản lợi nhuận lớn nhất trong số 5 “ông lớn” ngành GTVT. Tổng doanh thu năm 2014 của ACV đạt 8.571,4 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch đề ra, tăng 0,86% so với năm 2013.
Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 1.256 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch.
Tuy nhiên, đây là năm thứ ba liên tiếp, lợi nhuận của ACV giảm, dù doanh thu vẫn tăng đều, trong đó lợi nhuận năm 2014 chỉ bằng 92,3% so với năm 2013.
ACV được cho là có khoản tiền mặt dư khá lớn khi doanh thu tài chính năm 2014 đạt 712 tỷ đồng (tăng 11% so với kế hoạch), trong đó lãi tiền gửi là 625 tỷ đồng (tăng 7%).
Là tổng công ty 91 có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong năm 2014 đạt 71.970 tỷ đồng, bằng 102% so với năm 2013; nộp ngân sách nhà nước 2.936 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 647 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2013.
Đáng chú ý, mặc dù nhiều thị trường sụt giảm, nhưng hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng của Vietnam Airlines vẫn đạt xấp xỉ 80%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2013. Nhưng khó hiểu là, mặc dù có nền tảng thuận lợi như vậy, nhưng HĐQT Vietnam Airlines lại đặt ra một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 tương đối khiêm tốn, với tổng doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận 180 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), việc thay đổi nhân sự theo hướng tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng cơ chế giá vé, giá cước hợp lý, linh hoạt… đã đem lại kết quả kinh doanh khá tích cực trong năm qua.
Tổng giá trị sản lượng của VNR ước đạt 9.230,9 tỷ đồng, doanh thu đạt 9.333 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng. Mặc dù không công bố chính thức, nhưng một lãnh đạo VNR cho biết, kết quả trên phần lớn đến từ hoạt động của công ty mẹ.
Điều đáng nói là, doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa của VNR đã chạm trần, do năng lực chuyên chở khó cải thiện hơn nữa, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với các phương thức vận tải khác, như hàng không và vận tải thủy.
“Ngoại trừ ACV, những dự báo kinh doanh năm 2015 của 4 ông lớn còn lại chỉ mang tính tương đối, đặc biệt Vietnam Airlines và Vinalines sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự biến thiên của giá dầu vốn đang rất khó dự báo”, một chuyên gia dự đoán.