Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công đánh giá việc Damen (Hà Lan) mua cổ phần tại SBIC tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm là cơ hội quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, tạo cơ sở ban đầu cho việc hợp tác giữa Damen với các nhà máy khác của SBIC.
“SBIC đang trong quá trình mở rộng thị trường, nhất là thị trường thế giới nhằm khôi phục niềm tin đối với các chủ tàu nước ngoài, do vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép SBIC được bán 70% cổ phần tại Công ty Đóng tàu Sông Cấm cho Damen theo phương thức thỏa thuận trực tiếp; giá bán theo quy định pháp luật”, Thứ trưởng Công đề xuất.
Trước đó, theo đề nghị của SBIC, vào tháng 12/2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhượng lại 70% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho Tập đoàn Damen như là một ngoại lệ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (chỉ được mua tối đa 49% cổ phần).
Quan điểm của một số bộ, ngành vào thời điểm đó là muốn SBIC đàm phán lại với đối tác đến từ Hà Lan với cam kết sẽ nhượng lại phần lớn cổ phần tại Sông Cấm qua 2 giai đoạn, trong đó, trước mắt chỉ bán 49% và sẽ xem xét bán tiếp 21% khi có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo SBIC, trong các buổi làm việc với phía Việt Nam mới đây, Tập đoàn Đóng tàu Damen thông báo “không có chủ trương mua cổ phần Đóng tàu Sông Cấm theo nhiều giai đoạn”, mà vẫn mong muốn được Chính phủ cho phép mua một lần với tỷ lệ 70%.
“Lý do phía đối tác Hà Lan đưa ra là bởi, họ đang khó khăn trong kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Do gặp trở ngại này, nên Damen đã bắt đầu chuyển một số đơn hàng sang các nước khác và có khả năng rút khỏi thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC cho biết.
Được biết, Công ty Đóng tàu Sông Cấm đang là doanh nghiệp làm ăn khấm khá nhất trong số 8 công ty con mà SBIC giữ lại. Sông Cấm không thua lỗ trong suốt 5 năm qua và là đơn vị đưa về nhiều ngoại tệ nhất cho SBIC nhờ các hợp đồng xuất khẩu tàu có giá trị kỹ thuật cao, trong đó nổi bật nhất là sản phẩm từ nhà máy liên danh với Tập đoàn Hà Lan mang tên Damen Sông Cấm.
Đầu năm 2014, nhà máy liên doanh vừa mở rộng với mức đầu tư 60 triệu USD, trong đó 70% vốn góp là của nhà đầu tư Hà Lan. Đối tác này cũng từng đặt vấn đề mua lại đa số cổ phần tại một doanh nghiệp thành viên khác, như Công ty Đóng tàu Hạ Long khi doanh nghiệp này IPO trong năm nay.
Theo ông Sự, Damen đang có quan hệ rất tốt và là đối tác quan trọng nhất của SBIC. Cụ thể, Damen đang cung cấp toàn bộ đơn hàng cho Cụm nhà máy Sông Cấm - Bến Kiền; đảm bảo đơn hàng cho Nhà máy Đóng tàu Hạ Long đến hết năm 2016.
“Damen sẽ xây dựng một bản kế hoạch tổng thể hỗ trợ và hợp tác phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam và sẽ sớm chuyển giao cho SBIC bản kế hoạch nói trên”, ông Sự tiết lộ.