SBIC phải thực hiện bảo lãnh cho công ty con 60 tỷ đồng

(ĐTCK) SBIC trích dẫn Điều lệ và các quy định để “phủi” trách nhiệm bảo lãnh cho công ty con, song tòa án không chấp nhận.
Ảnh Internet

Mới đây, TAND tỉnh Quảng Ninh xem xét xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng SHB và Công ty TNHH MTV Cái Lân do có kháng cáo của bên liên quan là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy SBIC (tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin).

Theo hồ sơ, năm 2007-2008, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (nay đã sáp nhập vào SHB) ký hợp đồng tín dụng, cho Công ty Cái Lân vay 55,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất kết cấu thép phi tiêu chuẩn tại khu công nghiệp Cái Lân (Quảng Ninh). Thời hạn vay là 120 tháng.

Đảm bảo cho khoản vay trên, Công ty Cái Lân thế chấp thiết bị chính của dây chuyền sản xuất thép kết cấu phi tiêu chuẩn. Ngoài ra, còn có hợp đồng bảo lãnh cam kết trả nợ thay được ký kết giữa SHB, SBIC và Công ty Cái Lân.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Cái Lân vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên SHB khởi kiện ra tòa án. Ngân hàng yêu cầu Công ty Cái Lân phải thanh toán nợ gốc và lãi là hơn 146 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Cái Lân không trả được nợ thì SBIC phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh số tiền 60 tỷ đồng.

Quá trình xét xử sơ thẩm, SBIC không đồng ý với yêu cầu của ngân hàng. Theo SBIC, Điều lệ và các quy định pháp luật (Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002, Nghị định số 178/1999 ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm) thì việc bảo lãnh được thực hiện theo hình thức bảo lãnh bằng tài sản đảm bảo và bảo lãnh bằng tín chấp.

SBIC cho rằng, Tổng công ty không thuộc đối tượng bảo lãnh bằng tín chấp.

Mặt khác, Thông tư số 24/2007/TT-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Tài chính và Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ thì không cho phép công ty nhà nước thực hiện bảo lãnh.

SBIC còn viện dẫn các quy định khác để cho rằng, công ty không bảo đảm các điều kiện và nguyên tắc bảo lãnh theo quy định. SBIC đề nghị tòa án xem xét tính pháp lý và hiệu lực của chứng thư bảo lãnh.

Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không chấp nhận quan điểm của SBIC, tuyên SBIC phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Công ty Cái Lân. SBIC tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm nhận định, thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh, Cái Lân là công ty con của SBIC và khoản vay của Cái Lân có tài sản đảm bảo. Như vậy, khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và bảo lãnh. Việc SBIC bảo lãnh với khoản vay của Cái Lân là không trái pháp luật.

Cũng theo tòa, các văn bản mà công ty trích dẫn thì không có quy định nào cấm hoặc không cho phép công ty nhà nước thực hiện việc bảo lãnh.

Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, buộc SBIC phải trả nợ thay cho Cái Lân với số tiền tối đa là 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xem xét lại gốc, lãi, tòa buộc Cái Lân phải cho ngân hàng số tiền 131,3 tỷ đồng. Trừ 60 tỷ đồng của SBIC, số tiền còn lại Cái Lân phải trả nợ nốt cho ngân hàng.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục