Theo hồ sơ, CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy là chủ đầu tư Dự án trung tâm thương mại Văn phòng căn hộ cao cấp tại địa chỉ số 302 đường Cầu giấy, Hà Nội. Dự án bắt đầu triển khai năm 2010, nhà thầu thi công hạng mục tường vây là Công ty Bachy. Tư vấn giám sát là Công ty tư vấn Meinhardt Việt Nam.
CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy và Công ty Bachy ký hợp đồng ngày 23/6/2010. Ngày 23/8/2010, chủ đầu tư đã chuyển 20,4 tỷ đồng tạm ứng cho nhà thầu còn Công ty Bachy cung cấp thư bảo lãnh của ngân hàng.
Theo biên bản làm việc, ngày khởi công dự án là 25/1/2011. Tổng giá trị hợp đồng là 63 tỷ đồng. Chủ đầu tư cung cấp thép và bê tông. Tiến độ thi công trong 84 ngày. Công ty Bachy có nghĩa vụ đào tấm panel đầu tiên vào trước hoặc chậm nhất vào ngày 28/1/2011. Nếu nhà thầu vi phạm cam kết này, chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng, thu tiền tạm ứng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Bachy đã khởi công thực hiện công việc. Tuy nhiên, hai bên phát sinh mâu thuẫn về việc hoàn trả tiền tạm ứng và phát hành bảo lãnh. Chỉ sau vài ngày (tức ngày 2/3/2011), Công ty Bachy ngừng thi công và rút người ra khỏi công trình. Ngày 14/3/2011, chủ đầu tư cũng ra thông báo chấm dứt hợp đồng và đưa nhà thầu khác vào thi công.
Cuối năm 2011, CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy khởi kiện vụ việc ra tòa án, đề nghị hủy hợp đồng thi công, buộc nhà thầu phải trả lại tiền tạm ứng là 20,4 tỷ đồng và bồi thường hơn 47,1 tỷ đồng gồm các khoản như tiền phí thuê tư vấn quản lý dự án, bồi thường do tai nạn sập cần cẩu, sửa chữa sự cố kỹ thuật…
Vụ án được đưa ra xét xử vào năm 2011 nhưng sau đó bị hủy án, xét xử lại do các bên có kháng cáo. Công ty Bachy cũng có đơn phản tố nên mới đây TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm.
Được biết, sau khi tòa thụ lý án, CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm nhà thầu dịch chuyển các máy móc, thiết bị đang để tại công trường. TAND TP Hà Nội có quyết định 130/2011 cấm Công ty Bachy dịch chuyển 7 máy móc ra khỏi công trường gồm 5 tài sản của các nhà thầu phụ là Công ty Vĩnh Phúc, Công ty Vạn Thịnh Gia, Công ty cổ phần hạ tầng và xây dựng Phương Nam, CTCP Thiết bị xây dựng Vân phong và 2 tài sản của Công ty Bachy.
Năm 2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã có quyết định hủy bỏ quyết định trên của tòa sơ thẩm.
Mâu thuẫn thư bảo lãnh ngân hàng
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ án kéo dài là mâu thuẫn nội dung thư bảo lãnh ngân hàng.
Hợp đồng thi công quy định, Công ty Bachy phải trả cho CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy số tiền nhận tạm ứng 20,4 tỷ đồng và cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng mới. Về phía CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy phải tạm ứng 6,3 tỷ đồng và hoàn trả thuế VAT là 1,86 tỷ đồng. Đồng thời phát hành thư bảo lãnh thanh toán giá trị là 50 tỷ đồng.
Đối trừ các khoản tiền trên, Công ty Bachy còn phải thanh toán 12,3 tỷ đồng.
Trên thực tế, hai bên có điều khoản về Điều kiện riêng. Theo đó, giá trị bảo lãnh thanh toán là 54,8 tỷ đồng (không phải 50 tỷ đồng như trước).
Theo Bachy, ngày 15/2/2011, đại diện Công ty đã trực tiếp mang theo séc số tiền 12,3 tỷ đồng và 2 thư bảo lãnh đến làm việc nhưng đại diện CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy không gặp để giải quyết.
Đến ngày 24/2/2011, Công ty Bachy có công văn về việc chủ đầu tư vi phạm hợp đồng và thông báo dừng thi công. Tối 25/2/2011, ông Lê Đức Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy đã giao giấy bảo lãnh thanh toán của BIDV cho công nhân công trường. Công ty Bachy yêu cầu công nhân không được nhận. CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy gửi email và đến 10h15 phút ngày 1/3/2011, Công ty Bachy nhận bản chính giấy bảo lãnh thanh toán.
Công ty Bachy không đồng ý với giấy bảo lãnh trên do không đúng mẫu theo quy định hồ sơ chào thầu. Cụ thể, theo mẫu trong hồ sơ thầu, giấy bảo lãnh thanh toán khi chủ đầu tư vi phạm việc thanh toán tiến độ thi công thì “khi có xác nhận về khối lượng công việc hoàn thành của nhà tư vấn thì ngân hàng phát hành bảo lãnh thanh toán phải thanh toán cho nhà thầu”. Còn giấy bảo lãnh lại yêu cầu “phải có sự đồng ý của chủ đầu tư thì ngân hàng mới thanh toán”.
Công ty Bachy có đơn phản tố, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 224,9 tỷ đồng.
Phán quyết của tòa
Theo tòa phúc thẩm, biên bản làm việc ngày 23/2/2011, đại diện 2 công ty đã thống nhất thay đổi nội dung bảo lãnh. Theo đó, chủ đầu tư phải phát hành thư bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang.
CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy yêu cầu BIDV phát hành bảo lãnh với điều kiện thanh toán nhưng không trao đổi dẫn đến việc nhà thầu không chấp nhận. Tòa án xác định, chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng. Về phía nhà thầu cũng có lỗi do không thiện chí khắc phục để tiếp tục thi công. Theo đó, chủ đầu tư chịu lỗi 60%, nhà thầu là 40%.
Đối trừ các khoản tiền, Công ty Bachy còn phải trả cho CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy số tiền 12,5 tỷ đồng.