Savills: Đến 2025, Hà Nội thiếu 95.800 căn hộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu trên được Savills đưa ra trong báo cáo mới đây khi đề cập đến thị trường căn hộ Thủ đô trước áp lực của đô thị hoá.
Nguồn cung nhà ở tại Thủ đô đang suy yếu mạnh trong vài năm qua. Ảnh: Thành Nguyễn. Nguồn cung nhà ở tại Thủ đô đang suy yếu mạnh trong vài năm qua. Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo Savills, nguồn cung sơ cấp tại quý I/2023 giảm 4 điểm phần trăm theo quý và theo năm, đạt 19.483 căn. Trong đó, nguồn cung mới chỉ đạt hơn 2.040 căn hộ tới từ hai dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu VNĐ/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.

Thị trường tiếp tục diễn ra tình trạng mất cân đối cung – cầu. Khi nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng C vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, tỷ trọng căn hộ hạng B vẫn là chủ yếu, với 92% nguồn cung căn hộ tại khu vực phía Tây trong quý I/2023 là hạng B.

Theo Savills, từ năm 2024 trở đi, hạng B sẽ chiếm tỷ trọng chủ đạo với 60% thị phần nguồn cung tương lai.

Savills đánh giá, trái ngược với tình trạng nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu về nhà ở sẽ có xu hướng gia tăng mạnh trong tương lai.

Dự kiến tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030. Với đà phát triển này, nguồn cầu dự kiến đạt khoảng 426.700 căn. Tuy nhiên, Chương trình Phát triển Nhà ở của Hà Nội cũng đặt mục tiêu diện tích nhà ở mới là 33,2 triệu m2 sàn từ nay tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 29,5 m2/người. Các số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung là 95.800 nhà ở.

Theo Savills, khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn và sản phẩm phù hợp. Thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua từ giờ cho tới cuối năm, như Luật Nhà ở (Sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi).

Dù sẽ mất thời gian để thị trường có thể thẩm thấu, nhưng những động thái này được xem là “liều thuốc” trợ giúp minh bạch hóa nguồn gốc cũng như tăng khả năng tiếp cận vốn, để thị trường có thể kỳ vọng từ năm 2024 có thêm nguồn cung mới.

Dự kiến từ năm 2024 trở đi sẽ có khoảng 86.500 căn hộ từ 98 dự án mở bán, dù không tránh khỏi việc căn hộ hạng B vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo. Tuy nhiên, việc nguồn cung được bổ sung vào thị trường sẽ có thể tác động tới điều chỉnh lại mặt bằng giá và cải thiện số lượng căn hộ bán ra. Khi đó niềm tin của nhà đầu tư và người mua sẽ quay trở lại, thúc đẩy thị trường căn hộ sôi động hơn.

Ngoài ra, trong năm nay, huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ lên thành quận, tạo điều kiện cho các dự án nhà ở tại đây có thêm cơ hội để phát triển, gia tăng nguồn cung với giá hợp lý có thể đến tay người mua.

Trong tương lai, thành phố Hà Nội còn có kế hoạch phát triển hai thành phố trực thuộc thủ đô. Điều này cũng sẽ tạo xu hướng dịch chuyển nguồn cầu về phía các khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn ở phía Đông và Hòa Lạc, Xuân Mai ở phía Tây. Sự dịch chuyển này kết hợp với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày một thuận tiện hơn kỳ vọng sẽ giúp giải vây cho thị trường căn hộ.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục