Sau Virgin của tỷ phú Richard Branson, nhiều hãng hàng không châu Á sẽ chao đảo

(ĐTCK) Sự sụp đổ của hãng hàng không Virgin Australia có thể chỉ là màn dạo đầu của cuộc khủng hoảng hàng không châu Á, mà giọt nước tràn ly là đại dịch Covid-19.
Tỷ phú Richard Branson

Virgin Australia bước chân vào ngành hàng không năm 2000, nhắm tới nhóm khách hàng nhạy cảm với giá cả. Trong những năm gần đây, hãng gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng hàng không giá rẻ khác trên thị trường, dẫn tới việc đã thua lỗ trong 7 năm liên tiếp.

Với việc đại dịch Covid-19 càn quét trên toàn cầu, khiến số lượng các chuyến bay giảm đột ngột, nhiều hãng hàng không châu Á đang phải cân nhắc lại toàn bộ hoạt động và các thương vụ M&A được dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới.

“Không có gì phải bàn cãi về những đổ vỡ đối với ngành hàng không trong thời điểm này. Những đứt gãy hiện tại sẽ thay đổi ngành công nghiệp hàng không theo nhiều cách khác nhau”, Peter Harbison, Chủ tịch danh dự công ty nghiên cứu hàng đầu lĩnh vực hàng không CAPA (Centre for Aviation) cho biết.

Mặc dù các hãng hàng không châu Á đang có lợi thế hơn so với các khu vực khác vì tình hình dịch bệnh phần nào dịu đi, các lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng, nhưng việc có nhiều hãng hàng không tập trung cạnh tranh bằng giá sẽ đẩy hoạt động của nhiều doanh nghiệp vào thế khó.

“Biên lợi nhuận của các hãng hàng không giá rẻ rất mỏng và việc tạo lợi nhuận còn trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch diễn ra”, Harbison chia sẻ.

Với nhiều hãng hàng không châu Á, nếu không nhận được các biện pháp hỗ trợ tài chính từ chính phủ, việc đối diện rủi ro phá sản, vỡ nợ là hiện hữu. Vấn đề này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài tuần tới.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), doanh thu vận tải hành khách của các hãng hàng không châu Á sẽ giảm khoảng 113 tỷ USD trong năm 2020 so với với năm 2019. Con số này lớn hơn nhiều so với dự báo 88 tỷ USD được đưa ra vào tháng 3. Trên toàn cầu, doanh thu vận tải hành khách sẽ giảm 55%, xuống còn 314 tỷ USD.

Virgin Australia, hãng hàng không lớn thứ hai tại Australia đã phá sản sau khi chính phủ nước này từ chối đề nghị hỗ trợ 883 triệu USD của Công ty.

Tại Malaysia, mới đây, Malaysia Airlines đã thúc giục chính phủ bơm thêm vốn hỗ trợ trong hoàn cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, chính phủ Malaysia đang cân nhắc sáp nhập Malaysia Airlines, vốn có hiệu quả kinh doanh không tích cực với đối thủ AirAsia Group – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á.

Trong khi đó, AirAsia cũng có những vấn đề của riêng mình. Hãng đã báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp vào quý IV/2019 và nhiều khả năng kết quả quý I/2020 cũng không lấy làm tích cực. Đầu tháng 4/2020, AirAsia cho biết, 96% đội bay của hãng đang ngừng hoạt động.

Trong tháng trước, Singapore Airlines đã tiến hành bán thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư hiện hữu để thu về 10,5 tỷ USD. Trong đó, dòng tiền lớn nhất tới từ cổ đông nhà nước Temasek Holdings. Đây cũng là cổ đông lớn nhất của hãng với 55% cổ phần. Singapore đã phải giảm 96% năng lực vận hành của hãng cho tới hết tháng 4/2020 vì dịch bệnh.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục