Tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quyết sách
Trong Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole diễn ra tuần trước tại bang Wyoming, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bật đèn xanh về khả năng bắt đầu thu hẹp gói kích thích kinh tế vào cuối năm nay, bởi theo Chủ tịch Fed Jerome Powell nền kinh tế Mỹ đang ở thời điểm không cần nhiều hỗ trợ về chính sách như trước.
Tuy nhiên, tốc độ thu hẹp gói kích thích kinh tế thông qua cắt giảm mua vào tài sản ra sao thì Fed vẫn chưa quyết định.
Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các chuyên gia dự đoán một quyết sách tương tự có thể sắp được đưa ra. "Tôi dự đoán họ (Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB) có thể ra quyết định đó vào tháng 12", ông Gilles Moëc, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ quản lý đầu tư AXA Investment Managers nói.
Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp vào ngày 9/9 tới, nhưng các nhà phân tích tin rằng cơ quan này sẽ đợi vài tháng nữa trước khi công bố các quyết sách liên quan đến Covid-19.
Ông Gilles Moëc cho rằng: "Tôi nghĩ họ muốn cho mình một thời gian và đưa ra những dự báo mới" trước khi Hội đồng quản trị ra quyết định.
Theo bà Chiara Zangarelli, chuyên gia kinh tế châu Âu tại Nomura, ngoài việc đưa ra các dự báo mới, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ muốn quan sát thêm tình hình đại dịch Covid-19 trong những tháng tới.
Nữ chuyên gia này nhận định, khi mọi thứ vẫn ổn, "ngay cả những thành viên ôn hòa" của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng khó có thể trì hoãn quyết định thu hẹp gói kích thích kinh tế sau tháng 12.
Còn chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Philip Lane lưu ý trong một cuộc phỏng vấn tuần trước rằng "tháng 9 còn rất xa" so với ngày kết thúc chương trình mua vào tài sản thời Covid-19 của cơ quan này. Từ đó, mở ra một suy đoán rằng có thể sẽ mất vài tháng nữa Ngân hàng Trung ương châu Âu mới đi đến quyết định thu hẹp chương trình mua vào tài sản.
Trong khi đó, kinh tế khu vực Eurozone có bước hồi phục mạnh mẽ. Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 2% trong quý II/2021, trong bối cảnh nhiều nước thành viên dỡ bỏ các hạn chế phòng chống Covid-19.
Thêm vào đó, dữ liệu sơ bộ được công bố đầu tuần này cho thấy Eurozone chứng kiến lạm phát tháng 8 tăng cao nhất trong một thập kỷ qua lên mức 3% do khu vực này đã đạt tỷ lệ tiêm phòng cao và nới lỏng các hạn chế phòng dịch.
Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo chỉ số giá tiêu dùng của khu vực này sẽ tăng vọt trong năm nay, mặc dù là do các yếu tố tạm thời. Trước đó, cơ quan này đã nâng mục tiêu lạm phát chính lên 2% trong trung hạn. Nếu lạm phát tiếp tục tăng cao hơn, sẽ gây thêm sức ép buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải kích hoạt lại các gói kích thích kinh tế với tốc độ nhanh hơn.
Dự đoán chương trình mua vào tài sản sẽ kéo dài
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã triển khai một chương trình mua vào tài sản mới (PEPP) sau khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực. Theo đó, chương trình PEPP sẽ kết thúc vào tháng 3/2022 với tổng mức chi tiềm năng là 1.850 tỷ EUR (tương đương 2.190 tỷ USD).
Chương trình PEPP giúp Ngân hàng Trung ương châu Âu có sự linh hoạt hơn trong thực hiện chính sách, đơn cử là có thể mua vào những trái phiếu Hy Lạp không phù hợp với tiêu chí đầu tư theo các chương trình khác.
"Chưa rõ liệu các khoản mua vào tài sản theo chương trình PEPP sẽ bị thu hẹp nghiêm trọng ra sao, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ nhận thấy dấu hiệu rằng các khoản mua vào theo PEPP vẫn ở mức rất cao trong suốt quý IV (2021) trước khi giảm dần trong quý I (2022)", ông Guillaume Menuet, chuyên gia kinh tế châu Âu tại Tập đoàn tài chính Citi dự đoán.
Còn ông Gilles Moëc, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ quản lý đầu tư AXA Investment Managers nhận định, chương trình PEPP sẽ kết thúc vào tháng 3 "nhưng sau đó sẽ có cuộc trao đổi quy mô rộng về những gì cần làm với chương trình mua vào tài sản APP".
Chương trình mua tài sản APP vẫn được Ngân hàng Trung ương châu Âu duy trì với tốc độ mua vào hàng tháng hiện nay là 20 tỷ EUR. Cơ quan này đã và đang kết hợp hai chương trình mua vào tài sản APP và PEPP để duy trì hỗ trợ nền kinh tế 19 thành viên.
Salomon Fiedler, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Berenberg nhận định trên đài CNBC rằng chương trình APP có thể sẽ kéo dài đến năm 2023 và sau đó một đợt tăng lãi suất có thể xảy ra trong quý IV năm đó.
Còn bà Chiara Zangarelli, chuyên gia kinh tế châu Âu tại Nomura cho rằng trong khi chờ đợi, chương trình APP có thể sẽ được mở rộng quy mô một khi chương trình PEPP kết thúc. Nữ chuyên gia này hy vọng những chi tiết này sẽ được hé lộ trong cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, ông Philip Lane, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Trung ương châu Âu lại cho biết vào tuần trước rằng "không có các điều kiện để kết thúc chương trình APP".
"Bất kể khi nào chương trình PEPP kết thúc, đó không phải là điều đặt dấu chấm hết đối với vai trò nới lỏng định lượng (QE) của ECB. Đây là lý do tại sao chúng tôi không cần thời gian chuẩn bị để suy nghĩ về nó. Tất nhiên, chúng tôi cũng không thể để quá muộn. Nhưng 6 tháng là quãng thời gian khá dài. Vào mùa thu, chúng tôi sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách năm 2022 ra sao", ông Philip Lane nói với Reuters.
Trong khi đó, ông Gilles Moëc, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ quản lý đầu tư AXA Investment Managers khẳng định, thứ có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu "trật bánh" quyết định thu hẹp chương trình mua vào tài sản vào tháng 12, chỉ có thể là Covid-19.
Theo đánh giá của chuyên gia AXA, kinh tế Eurozone đang "hưởng lợi" nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao và sự thận trọng tổng thể của khu vực này để tránh dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch. Đến nay đã có 70% dân số của Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine kháng Covid-19.
Cho nên, ngay cả khi đại dịch sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới, ông Gilles Moëc vẫn tin rằng "khả năng duy trì ngưỡng mua vào theo chương trình PEPP hiện nay là rất cao".