Theo ước tính sơ bộ được công bố hôm nay 31/8, chỉ số giá tiêu dùng của Eurozone trong tháng 8 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,2% trong tháng 7.
Công bố này được đưa ra sau khi Đức - nền kinh tế đầu tàu trong Eurozone - chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 khi tăng 3,4% trong tháng 8. Pháp cũng ghi nhận lạm phát lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến họp vào ngày 9/9 để thảo luận về "số phận" của chương trình mua vào tài sản, trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan điểm vênh nhau trong Hội đồng quản trị ECB về thời điểm nới lỏng các biện pháp kích thích kinh tế.
Trong bài phát biểu hôm 30/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, ông Francois Villeroy de Galhau cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu nên cân nhắc đến sự phục hồi kinh tế gần đây khi thảo luận về những quyết định đối với gói kích thích thời Covid-19 của mình.
Còn Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan, ông Olli Rehn trả lời phỏng vấn tờ Politico tuần trước rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu cần phải thận trọng về việc rút lại gói kích thích.
Theo biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu, một số thành viên Hội đồng quản trị cho rằng lập trường của cơ quan này đã đánh giá thấp nguy cơ lạm phát tăng cao.
Các chuyên gia đánh giá, mức lạm phát ước tính được công bố hôm nay có thể gây áp lực lên các Ngân hàng Trung ương của khu vực Eurozone, đặc biệt là trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đánh tiếng sẽ xem xét thu hẹp chương trình mua vào tài sản trước cuối năm nay.
Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu là giữ lạm phát chính ở mức 2% trong trung hạn. Cơ quan này dự báo lạm phát trong năm 2021 có thể tăng đột biến lên mức 1,9% do những yếu tố mà họ cho là tạm thời. Sau đó, lạm phát ước giảm giảm xuống lần lượt còn 1,5% và 1,4% trong năm 2022 và 2023.