“Quá trình chuyển sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam vẫn đang được tiến hành. Dự kiến chúng tôi có thể bắt đầu sản xuất từ khoảng đầu năm sau. Việc dịch chuyển này rất quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Panasonic tại châu Á”, ông Yoichi Marukawa, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam nói với baodautu.vn tại buổi chia sẻ về tuyên bố định vị thương hiệu mới, vừa được tổ chức sáng nay tại TP.HCM.
Tại thời điểm tháng 06/2020, đại diện Panasonic Việt Nam cho biết, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam là 243 triệu USD cho 8 công ty; 5 trong số đó là các nhà máy sản xuất nằm ở Đông Anh (Hà Nội), Hưng Yên, TP.HCM và Bình Dương và một công ty bảo hiểm (PISVN), với tổng 7.000 lao động.
Trước đó, theo Nikkei, nhà máy của Panasonic tại Bangkok sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9/2020 và tủ lạnh vào tháng 10/2020.
Nhà máy này sẽ bị đóng cửa vào tháng 3/2021, một trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng sẽ bị đóng cửa.
Hiện, nhà máy của Panasonic tại Việt Nam hiện tại là trung tâm sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, công suất sản xuất của nhà máy hiện đã vượt ngưỡng cần thiết.
Chia sẻ về việc di dời nhà máy, ông Yoichi Marukawa nhận định, đây là một trong những kế hoạch tái cấu trúc trong dây chuyền sản xuất của Tập đoàn.
Hãng cũng đang trong quá trình tái cơ cấu với mục tiêu giảm chi phí giảm 100 tỷ Yên (tương đương khoảng 930 triệu USD) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2022.
Việc sản xuất và cung cấp sản phẩm từ Việt Nam đến các thị trường được đại diện Panasonic Việt Nam nhận định là “sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan”.
“Panasonic mới sử dụng một phần tiềm lực của mình tại Việt Nam và còn rất nhiều mảng kinh doanh khác chưa khai thác ngoài điện, điện máy”, ông Yoichi Marukawa chia sẻ.
Từ đó, Tập đoàn này có thể đem lại các sản phẩm có tính cạnh tranh hơn tới người tiêu dùng.
Xuyên suốt từ khi có mặt tại Việt Nam từ năm 1970, khi thu nhập bình quân đầu người chỉ 120 USD, Panasonic Việt Nam vẫn duy trì định vị là một đơn vị sản xuất điện tử tiêu dùng.
Dù vậy, mối quan tâm của người tiêu dùng hiện nay được Panasonic nhận định là đã thay đổi từ “sản phẩm” sang “giá trị”.
Trước những vấn đề về ô nhiễm không khí, nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sự xuất hiện của những dịch bệnh mới, phía ban lãnh đạo Tập đoàn với lịch sử hơn 100 năm này quyết định thay đổi từ sản xuất sang cung cấp thêm các giải pháp đến cả khách hàng doanh nghiệp (B2B) lẫn khách hàng là người dùng cuối (B2C).
Nói nôm na, trước nay Panasonic vẫn bán các sản phẩm máy giặt, điều hoà, tủ lạnh,…với các tính năng cơ bản như làm lạnh, làm mát không khí, giữ thực phẩm tươi ngon.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang cung cấp các gói giải pháp, Tập đoàn này muốn “đem thêm nhiều giá trị như sản phẩm điều hoà không chỉ làm mát không khí mà còn đưa thêm tính năng hạn chế vi rút, vi khuẩn trong nhà,…”.
Đại diện Panasonic Việt Nam đưa ra 3 giải pháp chăm sóc sức khoẻ toàn diện của hãng gồm: Giải pháp khí sạch toàn diện nâng cao chất lượng không khí trong nhà, giải pháp diệt khuẩn nâng cao chất lượng vệ sinh không gian sống và giải pháp chăm sóc, nâng cao sức khoẻ thể chất và vẻ đẹp bên ngoài.
Ông Yoichi Marukawa nói, nếu chỉ sản xuất ra sản phẩm thì giá trị của Panasonic mang lại cũng không nhiều trong khi họ có thể tận dụng công nghệ đưa ra các giải pháp.
“Chúng tôi xác định tầm nhìn chiến lược dẫn đầu xu hướng phát triển công nghệ xoay quanh yếu tố con người với các giải pháp sức khoẻ”, ông Yoichi Marukawa chia sẻ.
Vị này cũng cho rằng, chăm sóc sức khoẻ toàn diện không chỉ là xu hướng phục vụ khách hàng của tương lai mà hoàn toàn có thể đem lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp.
Panasonic được biết đến là Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực phát triển và sản xuất các công nghệ, giải pháp thuộc ngành điện tử, nhà ở, ô tô và doanh nghiệp, ghi nhận doanh thu ròng hợp nhất 7,49 nghìn tỷ Yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020.
Hiện, tỷ lệ nội địa hóa của Panasonic tại Việt Nam khoảng 30%.