Lãi suất giảm, tín dụng 5 tháng tăng 6,16%
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm cho vay đối với các khách hàng tốt.
Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm.
Cũng theo ông Hà, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN
Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong xây dựng và triển khai sản xuất kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Đặc biệt, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức cao; niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố. Thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.
Đối với lĩnh vực tín dụng, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Dư nợ tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm, đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Họp báo
Xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42
Về công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, theo NHNN, công tác này tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, về cơ bản, các ngân hàng thương mại đã xây dựng xong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, trình NHNN phê duyệt. Trong đó, các phương án tập trung chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, màng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác...
Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, thúc đẩy các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ - TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ .
Đồng thời, sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), những khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu trước đây đã dần được tháo gỡ, nhờ đó quá trình xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42...
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt
Về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và nhận định, dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế trong những tháng tiếp theo của năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối.
Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của tổ chức tín dụng để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính và giảm nợ xấu.
Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ. Điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phối hợp với các Bộ, ngành chức năng để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán...