Đây là “sự mở cửa” doanh nghiệp được coi là độc quyền trong một thị trường dễ kinh doanh và nhiều tiềm năng. Sasco đang chiếm gần 50% thị phần, nhưng nợ khó đòi là một trong những thách thức của Công ty.
Quá khứ: thành công
Được thành lập năm 1993 theo chủ trương của Nhà nước tách hoạt động kinh doanh khỏi quản lý điều hành, lịch sử phát triển của Sasco có thể được coi là ví dụ về doanh nghiệp Việt Nam điển hình gắn liền với các giai đoạn phát triển kinh tế và mở cửa của đất nước.
Với số vốn Nhà nước ban đầu được giao là 9,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các tài sản cũ, nhiều tài sản được hình thành từ trước năm 1975, sau 20 năm, nguồn vốn này tại Sasco đạt 912 tỷ đồng (Nguồn: báo cáo tài chính đã được kiểm toán 31/12/2013 của Sasco). Giá trị doanh nghiệp xác định để cổ phần hóa là 1.990 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước được xác định là 1.313 tỷ đồng, tăng 44,05% so với giá trị sổ sách. Từ một doanh nghiệp phục vụ hành khách thời bao cấp, Sasco đã có những chuyển biến và phát triển khá ấn tượng theo cơ chế thị trường, bắt kịp với xu thế quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không. Các dịch vụ và sản phẩm của Sasco tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - địa bàn kinh doanh chính của Công ty rất đa dạng, trong số đó có nhiều dịch vụ, sản phẩm đạt chất lượng cao được công nhận bởi các tổ chức đánh giá độc lập.
Trong giai đoạn 2010 - 2013, doanh thu của Sasco tăng trưởng trung bình 14%/năm. Theo đó, lợi nhuận tăng trung bình 12%/năm. 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của Công ty tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.060 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng doanh thu của Sasco là do nhà ga quốc nội sửa chữa, mặt bằng kinh doanh tạm bị thu hẹp. Bên cạnh đó, sự kiện biển Đông hồi tháng 5/2014 khiến lượng hành khách Trung Quốc sụt giảm, làm sức mua giảm đáng kể. So với kế hoạch năm 2014, Sasco hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.
Tương lai: cơ hội đan xen thách thức
Ngày 18/9/2014, Sasco sẽ bán đấu giá 31.097.900 cổ phần, chiếm 23,65% vốn điều lệ ra công chúng, hoàn thành công đoạn quan trọng của quá trình cổ phần hóa Công ty. Cổ phần hóa Sasco là “sự mở cửa” doanh nghiệp được coi là độc quyền trong một thị trường dễ kinh doanh và nhiều tiềm năng.
Ban điều hành Sasco cho biết, có nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh các dịch vụ phi hàng không tương tự như Sasco tại Cảng Hàng không Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hoạt động kinh doanh thương mại và cung cấp dịch vụ sân bay phụ thuộc rất lớn vào mặt bằng kinh doanh và số lượng hành khách đi và đến sân bay.
Theo dự báo của các tổ chức hàng không quốc tế, Việt Nam sẽ là 1 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế cao nhất trên thế giới tới năm 2017. Số lượng hành khách qua các cảng hàng không của Việt Nam có thể đạt 66 triệu lượt vào năm 2015, tăng trên 15%/năm trong giai đoạn 2010 - 2015.
Những năm gần đây, số lượng hành khách qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tăng trưởng bình quân 10%/năm và đạt xấp xỉ 20 triệu lượt khách trong năm 2013. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, Sân bay Tân Sơn Nhất đang có kế hoạch mở rộng 2 ga hành khách nội địa và quốc tế với công suất tối đa là 25 triệu hành khách/năm. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng sẽ hoạt động với 100% công suất (đã mở rộng) vào năm 2016 - 2017. Đà tăng trưởng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi hàng không tại đây có thể chậm lại trong những năm tiếp theo, sau khi Sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất tối đa.
Như vậy, với hoạt động kinh doanh diễn ra chủ yếu tại thị trường mục tiêu - Sân bay Tân Sơn Nhất, Sasco sẽ phải tiếp tục chia sẻ thị phần với nhiều doanh nghiệp khác trong một thị trường có giới hạn về mức tăng trưởng. Trong khi đó, các mặt bằng Sasco đang khai thác được thuê của Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất. Hợp đồng thuê được ký từng năm, trong đó Sasco phải chấp hành vô điều kiện việc di dời hoặc dỡ bỏ mặt bằng theo quy hoạch chung của Sân bay khi có yêu cầu.
Một rủi ro khác là các hoạt động kinh doanh tại sân bay rất nhạy cảm với thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, chiến tranh. Như đã nêu trên, tình hình căng thẳng tại biển Đông đã tác động lớn đến số lượng hành khách đi và đến Sân bay Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Sasco. Đáng chú ý, Công ty có khoản nợ phải thu khó đòi 295 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2014, Sasco đạt 83 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 72,92% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do 6 tháng đầu năm, Công ty chưa trích lập dự phòng rủi ro tài chính cho các khoản phải thu khó đòi.
Điểm nhấn đầu tư
Tuy vậy, Sasco vẫn được đánh giá là một công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt. Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Sasco hiện đang nắm giữ gần 50% thị phần. Ngoài ra, 2 chi nhánh của Sasco tại Hà Nội và Phú Quốc duy trì được đà tăng trưởng, ước tính sẽ đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu từ năm 2016. Sắp tới, ba nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm kinh doanh bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế và được nhượng quyền kinh doanh, phân phối các thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam hứa hẹn sát cánh cùng Sasco phát triển trong tương lai.
Sasco hiện có cơ cấu tài chính lành mạnh với lượng tiền và tương đương tiền dồi dào (30% tổng tài sản), hệ số nợ chịu lãi vay thấp (7%), khả năng quản lý vốn lưu động tốt. Dự phóng các chỉ tiêu tài chính quan trọng của Công ty trong giai đoạn 2014 - 2016 có sự tăng trưởng khá. Đến năm 2016, doanh thu của Công ty kỳ vọng đạt trên 2.403 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 185,95 tỷ đồng.
Với triển vọng khả quan của ngành hàng không cùng 20 năm kinh nghiệm tại thị trường mục tiêu và sự hỗ trợ từ các cổ đông, Sasco có nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, với những thách thức về thị trường và rủi ro tiềm ẩn như đã nêu ở trên, đội ngũ lãnh đạo của Sasco sắp tới sẽ phải có những chiến lược kinh doanh mới để tiếp tục phát triển.