Doanh nghiệp kỳ vọng
“Việc thành lập trung tâm giao dịch bất động sản là điều tất yếu phải diễn ra và tôi cực kỳ hoan nghênh quyết định này”. Đây là phản ứng đầu tiên của ông Trần Trọng Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng DHCONS khi nghe tin Bộ Xây dựng đang xây dựng Đề án Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý.
Phía doanh nghiệp kỳ vọng mô hình này sẽ làm chùn tay giới đầu cơ, đặc biệt là các đối tượng chuyên ký gửi nhà đất tại phòng công chứng. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng sẽ phải bảo đảm tính pháp lý của dự án thì mới có thể tiến hành giao dịch với khách hàng.
“Không chỉ vậy, mô hình này sẽ cắt giảm đáng kể thời gian và thủ tục hành chính. Người dân khi giao dịch bất động sản sẽ không phải ‘lặn lội’ di chuyển từ phòng công chứng, qua văn phòng đăng ký đất đai rồi qua bên thuế… Như vậy, trung tâm này sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, khi vừa tránh thất thu ngân sách, vừa mở ra cơ hội để thanh lọc, chuyên nghiệp hóa thị trường”, ông Trần Trọng Vũ bình luận.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc đánh giá, nếu thành lập được trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý sẽ là “một tin vui đối với cả người mua, người bán và cơ quan quản lý nhà nước”. Tuy nhiên, ông Quyết vẫn còn băn khoăn về việc vận hành trung tâm này. Mỗi năm, thị trường bất động sản có tới cả trăm ngàn giao dịch, câu hỏi đặt ra là, liệu trung tâm có đủ hạ tầng và nguồn nhân lực để xử lý được toàn bộ lượng giao dịch khổng lồ như vậy?
“Ví dụ, tôi mua nhà ở phường Hà Đông hay xã Phú Xuyên, nhưng phải lên tận Sở Xây dựng Hà Nội thì sẽ có phần bất tiện. Nếu quy định bắt buộc người dân phải giao dịch qua trung tâm, hệ thống chi nhánh sẽ phải phủ rộng khắp cả nước. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, công nghệ số và đội ngũ vận hành”, ông Quyết đặt vấn đề.
Nói thêm về tình trạng kê khai “hai giá”, CEO Đất Xanh Miền Bắc thẳng thắn, nếu người bán và người mua cố tình “bắt tay” với nhau để khai giá thấp, trung tâm vẫn khó kiểm soát. Vấn đề này chỉ thực sự được giải quyết nếu luật pháp có chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi vi phạm.
Đặt quyền lợi của người dân làm trọng tâm
Thành lập trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa tránh thất thu ngân sách, vừa mở ra cơ hội để thanh lọc, chuyên nghiệp hóa thị trường.
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam tin tưởng, trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý là mô hình được kỳ vọng sẽ tạo nên “cuộc cách mạng” trong ngành địa ốc.
“Đây là một đề án quan trọng, yêu cầu rất gấp. Khối lượng công việc rất lớn, vừa khảo sát thực tiễn trong nước, vừa nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, vừa tổ chức xây dựng nội dung”, bà Miền chia sẻ.
Theo quan điểm của các chuyên gia, khi xây dựng mô hình sẽ dựa trên 3 trụ cột chính: tính an toàn, tính hiệu quả và trải nghiệm sử dụng.
Đầu tiên là tính an toàn - yếu tố được ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân khi thực hiện giao dịch qua trung tâm. Để một bất động sản có thể xuất hiện trên hệ thống, tình trạng pháp lý rõ ràng là điều kiện tiên quyết.
Không chỉ vậy, trung tâm còn niêm yết các thông tin khác của sản phẩm như vị trí, diện tích, loại hình, tình trạng quy hoạch… Với tác dụng như một “bộ lọc”, mô hình này sẽ giúp người mua tránh gặp phải các rủi ro từ dự án “ma” hoặc không đủ điều kiện pháp lý.
Tiếp đến là tính hiệu quả. Trung tâm phải được tổ chức sao cho thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dân khi giao dịch. Điều này bao gồm cả yếu tố vị trí đặt trung tâm. Cơ quan quản lý phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và quy mô giao dịch của từng địa phương để có sự bố trí hợp lý. Ngoài ra, cũng nên có sự kết hợp với các cơ quan khác như văn phòng luật, ngân hàng… để tư vấn cho người dân.
“Khi khảo sát tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), chúng tôi thấy trong giao dịch bất động sản, đại diện văn phòng luật sư và ngân hàng luôn có mặt tại sàn giao dịch để hỗ trợ, tư vấn cho người dân”, bà Phạm Thị Miền cho hay.
Cuối cùng là mục tiêu số hóa dữ liệu. Trong dài hạn, đề án sẽ hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái giao dịch bất động sản trực tuyến - nơi khoảng cách địa lý sẽ được xóa bỏ. Đây chính là tiền đề để cơ quan quản lý có thể giải quyết được tình trạng kê khai “hai giá”.
“Khi giao dịch qua Trung tâm, toàn bộ dữ liệu về bất động sản, giá trị giao dịch, thông tin bên mua, bên bán đều được số hóa và lưu trữ. Hệ thống có thể phát hiện các giao dịch bất thường bằng cách đối chiếu giá trị giao dịch với dữ liệu lịch sử giá trên thị trường, từ đó cảnh báo ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam phân tích.
Cũng theo bà Miền, song song với việc thiết lập hệ thống giao dịch minh bạch và số hóa toàn diện, các chế tài xử phạt hành vi kê khai sai giá hoặc gian lận thuế cũng sẽ được siết chặt. Bộ Xây dựng đang rà soát lại các quy định liên quan và nếu cần thiết, có thể đề xuất bổ sung, sửa đổi những điểm chưa phù hợp trong luật hiện hành nhằm đảm bảo tính đồng bộ.