Ngành thép chờ “sáng” cùng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiêu thụ thép trong nước tăng chậm trong những tháng đầu năm 2024 do bị cạnh tranh bởi thép giá rẻ từ Trung Quốc và thị trường bất động sản hồi phục kém, nhưng kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện rõ nét kể từ quý III.
Giá thép xây dựng dự kiến sẽ dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn Giá thép xây dựng dự kiến sẽ dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn

Nhu cầu tăng, nhưng vẫn khó khăn

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 5 năm nay, tổng tiêu thụ thép toàn hệ thống đạt 351.700 tấn, tăng 1% so với tháng 4 và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng tháng 5/2024 giảm 0,51% so với tháng 4 và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023.

VNSteel dự báo, nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi so với năm 2023, nhưng mức độ phục hồi yếu và chưa thể trở lại mức sản lượng như trước đại dịch Covid-19.

Tập đoàn Hoà Phát đã sản xuất được 738.000 tấn thép thô trong tháng 4/2024, giảm nhẹ so với tháng 3. Tuy nhiên, bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3/2024. Trong đó, riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 471.000 tấn, tăng 24%, nhờ nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công tăng dần. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép HRC, phôi thép của Hòa Phát đạt 2,65 triệu tấn.

Với dấu hiệu dần khởi sắc từ cuối năm ngoái, ngành thép được tạo đà và duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay 2024, sản xuất thép thô đạt 7,15 triệu tấn, tăng 19%; tiêu thụ đạt 6,96 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nếu xét trong tháng 4 thì có sự suy giảm 1,5% về sản lượng sản xuất và 7,1% về sản lượng tiêu thụ thép so với tháng 3.

Vấn đề mang tính rủi ro của ngành thép là sự tràn vào của thép giá rẻ từ Trung Quốc, làm rối loạn trật tự thị trường thép Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 2,9 tỷ USD, tăng 29%; lượng nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Các nhà sản xuất thép trong nước đang đề nghị cơ quan chức năng điều tra chống bán phá giá đối với hai sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc là HRC và thép mạ (tôn mạ). Điều này kỳ vọng sẽ hạn chế nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc và hỗ trợ hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp như Hoà Phát với HRC; Hoa Sen, Nam Kim với tôn mạ.

Từ khi quá trình điều tra bán phá giá (nếu có) đến lúc ra các quyết định sơ bộ và chính thức sẽ diễn ra trong khoảng thời gian dài. Do đó, động lực của ngành thép trước mắt đến nhiều hơn từ kênh xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9%, lên 1,849 tỷ tấn. Trong đó, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như ASEAN, châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6% so với năm 2023, nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng và sản xuất công nghiệp. Đây đều là những thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam.

Chờ “sáng” cùng bất động sản

Dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét dần kể từ nửa cuối năm 2024, kéo theo nhu cầu về thép gia tăng.

Xét về tính chu kỳ, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục, thông thường ngành thép sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn này nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Kể từ đầu quý II/2024, thị trường bất động sản phục hồi qua từng tháng. Một loạt dự án bất động sản đa dạng phân khúc được tái khởi động, khởi công, công bố, giới thiệu ra thị trường trên cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, bất động sản dân dụng vẫn là yếu tố đầu ra quan trọng nhất đối với khả năng tiêu thụ nội địa của ngành thép. Hiện giá trị các dự án hoàn thành và các giao dịch thực hiện nhìn chung vẫn đang ở mức khá thấp so với các năm trước, cho thấy thị trường bất động sản chưa quay trở lại sóng tăng. Các doanh nghiệp chủ yếu đang thực hiện nốt các dự án đã xong pháp lý, hoàn thiện đầy đủ để bàn giao khách hàng. Do tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản còn chậm nên chưa tác động mạnh đến tiêu thụ thép xây dựng trong nước.

Các chuyên gia dự báo, dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản chỉ thực sự rõ nét dần kể từ nửa cuối năm 2024, khi các quy định mới của pháp luật có liên quan chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023... sẽ tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình định giá đất, đền bù và giải phóng mặt bằng, qua đó giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, mang lại nguồn cung cho thị trường.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc trang thông tin Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam đánh giá, sau khoảng 1 năm thực hiện, những cơ chế, chính sách nhằm giải cứu thị trường bất động sản bắt đầu phát huy hiệu quả hơn trong thực tế. Các dự án luật sửa đổi, bổ sung liên quan chặt chẽ đến thị trường bất động sản được Quốc hội thông qua đã tạo tâm lý ổn định cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án.

“Chỉ số tâm lý thị trường tăng lên do mức độ hài lòng được cải thiện rõ rệt, cùng với lãi suất ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp hơn trước đây sẽ trở thành điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản trong năm 2024”, ông Tuấn nói.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng có những chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các ngành nghề, trong đó có lĩnh vực nhà ở. Nếu tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, doanh nghiệp bất động sản sẽ có động lực mở rộng đầu tư, đồng thời kích thích nhu cầu vay mua nhà của người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, quý III thường là mùa mưa tại Việt Nam, làm chậm tiến độ thi công các dự án xây dựng. Cùng với tình hình thị trường bất động sản hiện tại, tiêu thụ sắt thép có thể duy trì ổn định, giá thép xây dựng dự kiến dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn. Xu hướng tích cực hơn sẽ xuất hiện vào cuối quý III, với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, sự thúc đẩy đầu tư công, khi đó giá thép có thể có nhịp phục hồi rõ rệt hơn.

Riêng với đầu tư công, VPS lưu ý, trọng tâm của chương trình phát triển giao thông nằm ở các tuyến đường cao tốc và đường bộ vành đai, mật độ thép sử dụng trong đa số các công trình không nhiều (chủ yếu nằm ở các đoạn cầu nối công trình phụ trợ, nhà ga, bến bãi…) và đòi hỏi thép được sử dụng ở chất lượng cao. Theo đó, lợi thế thuộc về một số ít doanh nghiệp thép có công nghệ sản xuất tạo được thép chất lượng cao và quy mô lớn.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục