Sản xuất, xuất khẩu chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Càng về cuối năm, ngành sản xuất lại càng kém nhiệt khi sản lượng sản xuất giảm đáng báo động, số lượng đơn hàng mới không còn dồi dào.
Xuất khẩu cá tra tháng 10 rơi xuống mức thấp nhất trong năm. Xuất khẩu cá tra tháng 10 rơi xuống mức thấp nhất trong năm.

Đơn hàng suy giảm mạnh

Theo lẽ thường, quý IV là giai đoạn các doanh nghiệp sản xuất tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp dường như không đi theo quy luật đó.

Nếu như 2021 là năm rất thành công của doanh nghiệp ngành thép, khi giá bán tăng vọt, xuất khẩu thuận lợi (vì nguồn cung thép toàn cầu bị đứt gãy bởi đại dịch Covid-19 và Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới - đóng cửa một số nhà máy thép sử dụng công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường…), doanh thu xuất khẩu toàn ngành tăng trưởng 124,3% so với năm 2020 thì hiện nay, các nhà máy thép đang trong tình trạng khó khăn khi cung vượt xa cầu, đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 10, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.

Từ quý III đến nay, doanh nghiệp đầu ngành Hòa Phát ghi nhận sản lượng sản xuất và bán hàng giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước yếu đi. Trong tháng 10, sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021.

Theo Bộ Công thương, đơn đặt hàng mới của các ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... đã chậm lại kể từ tháng 9. Lượng hàng bán ra của nhiều doanh nghiệp cũng ít hơn dự kiến, một số nhà sản xuất phải hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10.

Ông Trương Văn Cầm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, sau thời gian dịch bệnh kéo dài từ đầu năm 2020, khách hàng đặt lượng hàng rất lớn từ quý IV/2021 cho đến hết tháng 7. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt đã khiến nhu cầu tiêu thụ giảm đi rõ rệt, lượng tồn kho tăng lên và đang ở mức 20 - 25%.

“Nhiều doanh nghiệp có khách hàng truyền thống lâu dài vẫn có đơn hàng đến hết quý IV và sang đầu năm 2023. Tuy nhiên, cũng rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng”, ông Cầm nói.

Theo khảo sát, một số doanh nghiệp dệt may như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ... đều thông tin lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 đã có sự chậm lại do lo ngại về lạm phát, còn các đơn hàng quý đầu năm 2023 vẫn đang được các doanh nghiệp nỗ lực thỏa thuận. Trong đó, TNG đã và đang ký hợp đồng nhận các đơn hàng cho quý I và II/2023.

Với ngành gỗ, tính chung 10 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tuy tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 13,5 tỷ USD, song thực tế, vài tháng gần đây, đơn hàng đã sụt giảm rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Liêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt, các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, trong khi tồn kho ngày càng nhiều. Riêng quý III, đơn hàng của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40 - 50%, quý IV còn sụt giảm hơn và hiện chưa có đơn hàng cho năm mới.

Các doanh nghiệp cao su cũng đang đau đầu vì nhiều doanh nghiệp sụt giảm 30-40% đơn hàng, dù thông thường, quý cuối năm là quý các doanh nghiệp ngành này ghi nhận doanh thu, lợi nhuận cao nhất. Điều này cũng buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và phải lo xa rằng đến khi đơn hàng tăng cao trở lại sẽ rất khó tuyển lao động có tay nghề về làm việc.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên.

Ngành thủy sản cũng không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá trị xuất khẩu cá tra trong tháng 10 dù vẫn tăng 31% so với cùng kỳ, nhưng đây là mức thấp nhất tính theo tháng kể từ đầu năm đến nay.

So với mức đỉnh 310 triệu USD đạt được hồi tháng 4, doanh số xuất khẩu cá tra tháng 10 giảm gần một nửa. Xuất khẩu tôm trong tháng 10 đạt được 313 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm nay.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đánh giá, lạm phát toàn cầu khiến người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu, riêng con tôm Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ. Điều này dẫn đến doanh số tiêu thụ tháng 10 của Sao Ta đạt khoảng 19,4 triệu USD, giảm 0,4 triệu USD so với tháng 9.

Khó khăn còn tiếp diễn trong năm 2023

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra nhận định, các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...

Ông Trương Văn Cẩm cũng dự báo, tình hình thiếu hụt đơn hàng hiện nay có thể kéo dài sang quý I/2023. Ở những thị trường như Mỹ, EU, tình hình lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế không đạt như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân.

Mặt khác, nhiều khách hàng đến đặt hàng tại các doanh nghiệp đã đưa ra mức giá chỉ bằng 30 - 50% so với giá bình thường với số lượng lớn. Ông Cẩm lưu ý, nếu doanh nghiệp không nghiên cứu, cân nhắc kỹ vấn đề này, sau khi tình hình khả quan trở lại, các doanh nghiệp phải chịu thua thiệt trong ký kết các đơn hàng lớn.

Vitas đã xây dựng các kịch bản xuất khẩu năm 2023, theo đó, nếu tình hình khó khăn của quý IV/2022 kéo dài hết quý I/2023 và quý II mới trở lại trạng thái bình thường thì ngành dệt may sẽ đặt mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2022. Nếu tình hình khó khăn kéo dài đến giữa năm 2023 thì mục tiêu xuất khẩu ngành sẽ vào khoảng 46 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2022.

Chuyện giao hàng cho gối đầu tiêu thụ năm 2023, phía khách hàng có sự e dè, chờ đợi kết quả tiêu thụ đợt Noel, năm mới tới.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực dự báo, 2 tháng cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn giảm mạnh doanh số xuất khẩu của ngành thủy sản. Nguyên nhân do lạm phát, giảm chi tiêu trong khi các kho hàng bên mua cơ bản đầy.

“Chuyện giao hàng cho gối đầu tiêu thụ năm 2023, phía khách hàng có sự e dè, chờ đợi kết quả tiêu thụ đợt Noel, năm mới tới. Tuy nhiên, các đơn hàng gối đầu, theo thông lệ vẫn diễn ra, tuy sản lượng không tăng trưởng như hàng năm”, ông Lực cho biết.

Công ty Chứng khoán TPS cũng đưa ra thêm rủi ro đối với các doanh nghiệp cao su là mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm, ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch. Hiện tượng La Nina tiếp diễn năm thứ 3 liên tiếp trong 2022 làm gia tăng tần suất và lượng mưa, qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động thu hoạch và sản lượng mủ cao su của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, rủi ro còn đến từ việc suy giảm nhu cầu cao su tại Trung Quốc do thiếu điện. Hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc đã phải đóng cửa vì thiếu điện. Xu hướng này kéo dài có thể làm giảm nhu cầu thu mua cao su nguyên liệu do sản xuất bị gián đoạn.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục