Tối đa hóa các lợi ích kinh tế
Hội thảo giới thiệu cơ hội từ RCEP để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN vừa được Bộ Công thương tổ chức vừa qua.
RCEP là hiệp định giữa ASEAN và 5 đối tác lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, được ký vào tháng 11/2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2022. RCEP tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP hơn 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Việc RCEP có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây, dù khả năng để hưởng ưu đãi thuế quan chưa lớn do Việt Nam đã đạt được mức thuế tương đối thấp từ các FTA đã có trước đó với các quốc gia thành viên RCEP.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trong ngắn hạn, RCEP sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu, nhưng trong trung và dài hạn, sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Về lâu dài, lợi ích của Việt Nam sẽ thấy rõ.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, điều kiện nhập khẩu hàng hóa không quá khó. Trong điều kiện giá cước vận tải tăng cao, việc gia tăng xuất khẩu sang ASEAN sẽ giúp giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp Việt.
Năm tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN đạt gần 35 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 14,4 tỷ USD, tăng 24,9% và nhập khẩu 20,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021.
Điểm thuận lợi nhất của RCEP là quy tắc xuất xứ hài hòa, hải quan thuận lợi, thêm nguồn cung nguyên phụ liệu để kết nối chuỗi sản xuất khu vực, từ đó tăng xuất khẩu sang nhiều thị trường trong ASEAN.
Ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn và tiềm năng sang Thái Lan. RCEP mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội do Thái Lan cắt giảm thuế khá cao cho hàng Việt. Mục tiêu 25 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2025 là có thể đạt được.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, ông Phạm Thế Cường thông tin, RCEP dù đã đi vào thực thi từ đầu năm 2022, nhưng Indonesia vẫn chưa phê chuẩn RCEP, do đây là thị trường có đặc thù bảo hộ cao với hàng sản xuất trong nước.
Còn theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philipnines, đến thời điểm này, Philippines là một trong 3 nước trong ASEAN chưa phê duyệt RCEP, do đó, để tận dụng ưu đãi thuế quan xuất khẩu theo RCEP là chưa khả thi, doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi theo ATIGA (thuế bằng 0%), nhưng thị trường này lại luôn đặt ra những tiêu chuẩn mới và đây là điều doanh nghiệp cần lưu ý để hưởng thuế 0%.
Kết nối chuỗi sản xuất khu vực
Với việc hài hòa quy định về quy tắc xuất xứ, RCEP sẽ kết nối các FTA ASEAN+ với nhau, từ đó tạo thuận lợi để các doanh nghiệp ASEAN cùng hợp tác trong chuỗi sản xuất.
Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt của RCEP là tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.
Theo đó, thay vì tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ trong 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, thì với hiệp định này, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ.
Báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất với tiêu đề "Việt Nam - RCEP: Cơ hội và thách thức", do Ngân hàng Standard Chartered công bố gần đây nhận định, việc trở thành thành viên của RCEP tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam.
Báo cáo cho biết, các ngành hàng xuất khẩu chính dự kiến được hưởng lợi từ RCEP gồm công nghệ thông tin, dệt may, giày dép, nông nghiệp, ô tô và viễn thông.
Theo ông Cao Xuân Thắng, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu rau quả, trái cây tươi, sữa, gạo tẻ… sang Singapore, do khâu sản xuất ngày càng được chuẩn hóa và sản phẩm đã xuất sang được các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Dư địa để tăng xuất khẩu sang Singapore là rất lớn, do người tiêu dùng tại đây ưa chuộng và tăng nhu cầu sử dụng. Riêng gạo tẻ năm 2021 tăng trưởng 28%.
Năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam - Singapore đạt 8,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 4 tỷ USD, tăng 31,4%. Hàng điện tử, điện thoại, máy móc phụ tùng… vẫn chiếm giá trị xuất khẩu lớn; nông, thủy sản dù đã tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn thua xa các thị trường cung cấp chính như Malaysia, Trung Quốc. Các chuyên gia lưu ý, với RCEP, doanh nghiệp Việt có thể liên kết với các nhà đầu tư Singapore để xây dựng các nhà máy chế biến nông, thủy sản đạt chuẩn để xuất bán sang thị trường này.