Sản xuất Việt Nam liên tục cải thiện trong 23 tháng qua

(ĐTCK) Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tháng 7 của Việt Nam cho thấy, đà gia tăng mạnh hơn của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã giúp các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh mẽ hơn.
Tốc độ tăng sản lượng trong tháng 7 là mạnh và nhanh hơn so với tháng trước (Ảnh Internet) Tốc độ tăng sản lượng trong tháng 7 là mạnh và nhanh hơn so với tháng trước (Ảnh Internet)

Báo cáo PMI do Nikkei và Markit Economics khảo sát vừa công bố ngày 3/8 cho thấy, PMI đã tăng lên 52,6 trong tháng 7 từ mức 52,2 trong tháng 6.

Đây là tín hiệu cho thấy sự cải thiện hơn nữa của các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. Như vậy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã liên tục cải thiện trong 23 tháng vừa qua.

Đà gia tăng mạnh hơn của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã giúp các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh mẽ hơn.

Tổng số đơn đặt hàng mới tăng mạnh theo nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Đà tăng của tổng số đơn đặt hàng mới đã khiến các nhà sản xuất gia tăng sản lượng, đánh dấu tháng tăng trưởng sản lượng thứ 22 liên tiếp. Tốc độ tăng sản lượng trong tháng 7 là mạnh và nhanh hơn so với tháng trước.

Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit nhận định: “Sự cải thiện của tốc độ tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong tháng 7 là một tín hiệu tích cực sau tình trạng đình trệ trong tháng trước và cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn phát triển bình thường sau đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu vẫn là yếu tố tiêu cực nhất trong cuộc khảo sát vừa qua khi mà số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Dường như không còn áp lực lạm phát khi giá cả đầu vào giảm lần đầu tiên trong 3 tháng và giá đầu ra tiếp tục đi xuống”.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho biết, một số DN báo cáo đã nỗ lực cắt giảm lượng công việc tồn đọng trong tháng 7, trong khi số khác đề cập đến năng lực sản xuất dự phòng. Do vậy, lượng công việc tồn đọng nhờ đó đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, hoạt động giao hàng nhanh chóng đã góp phần làm giảm nhẹ lượng tồn kho hàng hóa thành phẩm.

Đặc biệt, Báo cáo cho rằng, áp lực lạm phát hầu như đã không còn khi giá đầu vào giảm lần đầu tiên trong 3 tháng qua cùng với giá đầu ra của ngành.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục