Than tiếp tục là nguồn sản xuất điện lớn nhất toàn cầu
Báo cáo cập nhật giữa năm về Than của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra trong tháng 7/2024 đã cung cấp phân tích mới nhất về nhu cầu, sản xuất, thương mại và giá than trên toàn cầu.
Theo Báo cáo này, khối lượng than được giao dịch thương mại trong năm 2023 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, phù hợp với các dự báo trước đó.
Cụ thể, năm 2023, sản lượng của ba quốc gia sản xuất than lớn nhất, chiếm 70% sản lượng toàn cầu, đã tăng đáng kể. Cụ thể, Trung Quốc tăng 3,4%, Ấn Độ tăng 12% và Indonesia tăng 13%.
Kết quả, sản lượng than toàn cầu năm 2023 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại với 8,9 tỷ tấn.
Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng than toàn cầu đã giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Trung Quốc ghi nhận mức giảm 1,7%.
Việc giảm sản lượng ở Trung Quốc có nguyên nhân bởi nước này đã tăng cường kiểm tra an toàn tại tỉnh Sơn Tây, khu vực sản xuất lớn nhất của đất nước, chiếm 1,3 tỷ tấn sản lượng than vào năm 2023. Cạnh đó, áp lực tăng sản lượng trong nước của Trung Quốc đã giảm do nhu cầu tăng trưởng chậm lại, lượng dự trữ lành mạnh trên toàn chuỗi cung ứng và lượng nhập khẩu cao hơn.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục khuyến khích sản xuất để tránh tình trạng thiếu hụt than và giảm nhập khẩu. Còn Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 720 triệu tấn vào năm 2024, nhưng đã phê duyệt khai thác hơn 900 triệu tấn. Dẫu vậy, sản lượng than của Indonesia có sự phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế, đặc biệt là nhu cầu của Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ - nước sản xuất than lớn thứ 4 thế giới - sản lượng than ước tính đã giảm 17% trong nửa đầu năm 2024 có sự đóng góp của việc lượng dự trữ cao tại các nhà máy điện.Tại châu Âu, sản lượng than dự kiến cũng sẽ giảm.
Tiêu thụ than cũng được phân tích là vẫn tăng trong cả lĩnh vực sản xuất điện và công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp sắt thép là ngành tiêu thụ lớn nhất.
Tuy nhiên đáng chú ý là sản xuất điện từ than đã tăng thêm 1,9% vào năm 2023, lên đạt 10.690 TWh và đây là kỷ lục mới. Thực tế này cũng được IEA nhận định rằng, than tiếp tục là nguồn sản xuất điện lớn nhất toàn cầu.
Báo cáo cũng nhận định, sự phục hồi của thủy điện tại Trung Quốc kết hợp với sự mở rộng đáng kể của điện gió và điện mặt trời dự kiến sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của sản xuất điện than trên toàn cầu vào năm 2024, mặc dù có xu hướng trái ngược nhau ở các khu vực khác nhau.
Kể từ tháng 4/2024, sản lượng thủy điện tại Trung Quốc đã phục hồi, nhưng mức tiêu thụ điện tại Trung Quốc vẫn tăng mạnh do nhu cầu tăng mạnh ở cả lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.
Đồng thời, các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều than tại Trung Quốc (tức là xi măng và thép) tiếp tục gặp khó khăn do lĩnh vực bất động sản trì trệ.
Báo cáo cũng nhắc tới Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu than tăng trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu điện mạnh và sản lượng thủy điện thấp.
Dù nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh chóng, thúc đẩy tiêu thụ than công nghiệp nhưng các phân tích cũng chỉ ra rằng nhu cầu than của Ấn Độ dự kiến sẽ chậm lại vào nửa cuối năm 2024 bởi nửa đầu năm có điều kiện thời tiết đặc biệt.
Tại Hoa Kỳ, nơi nhu cầu sử dụng than đã giảm kể từ năm 2008, nhu cầu về than vẫn gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu chuyển từ than sang khí đốt tự nhiên trong ngành điện giảm.
Tại Liên minh Châu Âu, sau khi nhu cầu về than giảm 22% vào năm 2023, chúng tôi dự kiến nhu cầu sẽ giảm 19% vào năm 2024, chủ yếu do ngành điện, nơi nhu cầu về năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục mở rộng trong khi nhu cầu vẫn tương đối yếu.
Năm 2025, nhu cầu than toàn cầu dự báo là 8,7 tỷ tấn
IEA cũng cho hay, ngành điện chiếm 2/3 nhu cầu than toàn cầu. Ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu than trong ngành điện dao động đáng kể hơn so với các ngành công nghiệp, chủ yếu là do có ít lựa chọn thay thế hơn cho việc sử dụng than công nghiệp.
Do đó, những thay đổi trong xu hướng tiêu thụ than trên toàn cầu chủ yếu do ngành điện thúc đẩy. Tuy nhiên, tác động ngày càng tăng của thời tiết khắc nghiệt không lường trước được đang khiến nhu cầu điện khó dự đoán hơn trong ngắn hạn.
Ở cấp độ khu vực, nhu cầu than ở các nền kinh tế tiên tiến rõ ràng đang có xu hướng giảm, trong khi ở một số nền kinh tế mới nổi, nhu cầu rất có khả năng tăng trưởng hơn nữa.
Theo dữ liệu mới nhất, nhu cầu than toàn cầu dự kiến sẽ không thay đổi nhiều vào năm 2025 so với năm 2024, ở mức khoảng 8,7 tỷ tấn.
Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt 5 địa điểm mới để phát triển các nhà máy hạt nhân. Nguồn: Deccanherald |
Việt Nam sẽ gia nhập top 5 thị trường nhập khẩu than lớn nhất thế giới
Trong mười năm qua, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan liên tục được xếp hạng là 5 thị trường nhập khẩu than hàng đầu thế giới theo thứ tự đó, làm nổi bật vai trò thống trị của châu Á trong thương mại than toàn cầu.
Giai đoạn này chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể ở Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy nhập khẩu than. Đồng thời, nhập khẩu than ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn tương đối ổn định.
Hiện tại, Việt Nam đang được ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về nhập khẩu than vào năm 2023 và có thể trở thành thị trường nhập khẩu than lớn thứ năm thế giới vào năm 2024.
Nhu cầu than ngày càng tăng của Việt Nam được IEA cho rằng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành điện. Trong ngắn hạn, tình trạng thiếu hụt các nhà máy thủy điện và nhu cầu điện tăng mạnh thúc đẩy nhu cầu về than. Mặc dù Việt Nam theo truyền thống phụ thuộc vào than vận chuyển bằng đường biển, nhưng Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu than từ Lào trong hai năm qua và có kế hoạch tiếp tục tăng cường hoạt động thương mại này.
Dẫu vậy Việt Nam mới đây đã tuyên bố hủy bỏ Dự án nhiệt điện than Sông Hậu 2 nên các dự án nhiệt điện than khác chưa triển khai trong thực tế cũng đang được IEA ghi nhận để đánh giá lại tình hình tiêu thụ than.
Ngược lại với lượng nhập khẩu tăng ở châu Á, lượng than nhập khẩu hàng tháng vào Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong thế kỷ 21.
Vào năm 2024, dự kiến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chỉ mới vượt qua Đức để trở thành nước nhập khẩu lớn nhất bên ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ nhập khẩu nhiều than hơn Liên minh châu Âu, nhấn mạnh sự tham gia ngày càng giảm của châu Âu vào hoạt động thương mại than toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 51,16 triệu tấn than, tiêu tốn lượng ngoại tệ 7,1 tỷ USD.
So với năm 2022, sản lượng than nhập về đã tăng 61,4% về lượng và tăng 0,7% về kim ngạch so với năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng than các loại nhập khẩu đạt 33,43 triệu tấn, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá trị, Việt Nam đã chi 4,15 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng than, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.