Sàn Temu "hoành hành" ở Việt Nam, đại biểu Quốc hội lo cho doanh nghiệp nội

(ĐTCK) Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh), hàng giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein đang đặt ra vấn đề thất thu thuế, cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.

Thời gian qua, dư luận quan tâm khi các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein... xuất hiện tại Việt Nam, bán nhiều hàng hoá giá rẻ, đặt ra các vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước và quản lý thương mại điện tử.

Bên hàng lang Quốc hội sáng 24/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, việc hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử nói trên đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

Theo đại biểu Ngân, giá rẻ ở trên các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chưa hẳn do giá thành hạ nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế.

Khi các loại hàng hóa không phải đóng thuế, ồ ạt đổ vào Việt Nam với giá rẻ, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, gây nên sự thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về thuế, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Thương mại điện tử giúp người dân dễ tiếp cận trong mua hàng, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về thất thu thuế, thiếu công bằng trong sản xuất kinh doanh", ông Ngân nhấn mạnh.

Mặc dù thương mại điện tử là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài, song ông Ngân cho rằng, việc thiếu kiểm tra, giám sát, chưa có đầy đủ các quy định để quản lý thương mại điện tử có thể gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội trong nước.

"Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử nhưng có phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa", vị đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) - Ảnh: M.M

Khi hàng hóa giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp trong nước, ông Trần Hoàng Ngân lo ngại nguy cơ doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng cửa, dẫn đến thiếu việc làm.

"Chúng ta cần có cảnh báo mạnh hơn, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, quản lý thuế", ông Ngân đề nghị.

Ông cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, của các nhà sản xuất trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng.

"Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu các quy định pháp luật chưa đầy đủ, cần kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, tinh thần của Quốc hội đổi mới trong xây dựng thể chế, kiến tạo không gian phát triển mới", ông Ngân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Về phía các doanh nghiệp trong nước, cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Đối với những giải pháp vừa nêu, vị đại biểu cho rằng, chúng ta phải hành động ngay để tránh những tác động quá lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Các giải pháp về hàng rào kỹ thuật, thương mại, thuế như đề cập ở trên cần được sớm nghiên cứu, triển khai.

"Không phải chúng ta ngăn cấm, cản trở thương mại điện tử, mà cần có các giải pháp để đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Việc này vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhưng cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp nước ngoài", đại biểu nhấn mạnh.

Đối với người tiêu dùng, đại biểu phản ánh, hiện nay ở nhiều công sở, cơ quan làm việc, xuất hiện các "sạp hàng" do phía đơn vị giao hàng vận chuyển đến, chỉ cần một cuộc gọi là người mua xuống cổng để nhận hàng, rất tiện lợi.

"Tâm lý người mua hàng, nếu giá rẻ, lại đúng mặt hàng mình đang mong muốn thì sẽ lựa chọn. Tuy nhiên người mua cũng cần lưu ý đến các vấn đề về chất lượng, về đảm bảo công bằng trong kinh doanh", đại biểu nêu quan điểm.

Trong một diễn biến liên quan, tại Họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công thương diễn ra ngày 23/10, khi được hỏi quan điểm về việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện của sàn Temu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Về giá cả, đến tôi cũng giật mình vì giá bán hàng hóa của Temu rất rẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể".

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021, các sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Về việc một số quốc gia có động thái dè chừng với Temu, trong đó Indonesia cấm hoạt động của sàn này, ông Tân khẳng định Bộ Công thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

"Bộ Công thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái", ông Tân nói và cho biết sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.

Trước đó, tháng 6/2024, khi thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) (dự kiến sẽ thông qua Luật này tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 11/2024), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok shop…

Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay. Đây cũng là quan điểm của nhiều doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội khi đóng góp ý kiến cho dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục